Tình trạng buôn lậu, tại Quảng Ninh vẫn hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất.
Ngày 11/7, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp kiểm tra, phát hiện lượng lớn sản phẩm túi xách, ví da, thắt lưng, đồng hồ đeo tay bày bán tại trung tâm mua sắm Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên (TP Móng Cái) dán tem nhãn, logo của những thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc.
Trong đó, nhiều sản phẩm ví, cặp da có giá hàng chục triệu đồng, nhiều đồng hồ đeo tay thương hiệu Rolex có giá gần nửa tỉ đồng. Lực lượng chức năng đã làm các thủ tục niêm phong, thu giữ hàng hóa để điểu tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Được biết, chủ số hàng này là một người nước ngoài.
Trước đó, ngày 12/6, Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra điểm mua sắm Thương trường Phương Đông tại số 35 Đại lộ Hòa Bình phường Trần Phú, TP Móng Cái. Tại thời điểm kiểm tra công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc thuốc lá. Công ty này có hành vi đầu tư núp bóng người nước ngoài, thực hiện thanh toán qua các thiết bị POS, WECHAT, ALIPAY không qua kiểm soát của ngân hàng Việt Nam.
Được biết, những năm qua, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng không bảo đảm an toàn vệ sinh được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và cấp bách hàng đầu. Ngay từ đầu năm Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các chuyên đề về chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…
Theo ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai có nhiều điểm mới, chống hàng giả được kiểm, đếm theo từng tháng. Nếu như trước đây lực lượng chuyên tập trung kiểm tra vi phạm hàng giả về kiểu dáng, nhãn mác bao bì thì nay đã đi vào chiều sâu, tăng cường kiểm soát hàng chất lượng hơn.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất.
Có thể bạn quan tâm
00:33, 11/07/2019
04:10, 10/07/2019
04:30, 09/07/2019
Theo báo cáo của ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.278 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm trên 16,8 tỷ đồng (tăng 110% về số vụ, giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018). Xử lý hình sự 28 vụ/36 đối tượng; xử lý hành chính 2.346 trường hợp; tiền bán thanh lý hàng tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 16,73 tỷ đồng (tiền phạt vi phạm hành chính: 8,87 tỷ đồng; bán thanh lý hàng tịch thu: 7,86 tỷ đồng).
Là địa bàn trọng yếu có cửa khẩu Móng Cái nơi chủ yếu diễn ra hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Cụ thể là khu vực từ Km1 đến Km4 thuộc các phường Ka Long, Hải Yên; khu vực Vàng Lầy, Lục Lầm thuộc các phường Trần Phú và Hải Hòa và khu vực phường Trà Cổ, xã Bình Ngọc… Hiện, thách thức lớn nhất đối với lực lượng kiểm soát Hải quan Móng Cái là tình trạng đối tượng “trá hình” cư dân biên giới, lợi dụng chính sách miễn thuế đối với cư dân biên giới để buôn lậu.
Theo ông Đoàn Thế Thăng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái, các mặt hàng mà các đối tượng buôn lậu đưa vào Việt Nam chủ yếu là thuốc lá điếu, điện thoại di động, mỹ phẩm, ngoại tệ, đồ điện lạnh, pháo, hàng tiêu dùng... Hàng hóa được cất chứa trên các con đò sắt neo đậu rải rác và trà trộn cùng với hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch dọc các tuyến sông Ka Long, sông Bắc Luân (phía bên Trung Quốc) để chờ thời cơ đưa hàng vào TP Móng Cái. Do địa hình mở, đường biên giới dài và con sông có chiều ngang hẹp, nên các đầu lậu có thể cho hàng cập vào bất cứ bến đò nào.