Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này vừa có quyết định giao hạn ngạch cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho các tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tổng số giấy phép cấp ra sẽ là 7.000 giấy. Trong đó, vùng ven bờ (đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét) là 4.774 giấy phép. Vùng lộng (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét) là 1.756 giấy phép. Vùng khơi (tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên) là 470 giấy phép.
Với quyết định này, giấy phép khai thác thủy sản cấp cho tàu cá hoạt động tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh không được vượt quá hạn ngạch được giao. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn, tổ chức thực hiện, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản theo định kỳ 60 tháng/lần hoặc căn cứ vào biến động về nguồn lợi thủy sản khi có kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của tỉnh.
Là một trong những địa có số lượng tàu hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản khá lớn của Quảng Ninh, huyện Vân Đồn hiện có 1.266 tàu cá có 157 tàu dưới 6m; 874 tàu do cấp huyện quản lý; 235 tàu do Sở NN&PTNT quản lý, đăng kiểm đăng ký.
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết: “Huyện Vân Đồn chưa có công văn thông báo của tỉnh về số giấy phép hoạt động được cấp theo hạn ngạch. Hiện địa phương đang chờ dự thảo đề án về phân cấp quản lý, phân loại tàu, đăng kí, đăng kiểm và hướng dẫn thực hiện, hạn ngạch cấp phép tàu cá từ phía Sở NN&PTNT tỉnh. Nếu những tàu không đủ điều kiện cấp phép hoạt động thì sẽ cho dừng, còn nếu muốn nâng công suất để đủ điều kiện đăng kí thì huyện sẽ hướng dẫn làm thủ tục”.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện trên 4.700 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý, trong đó có 1.680 chiếc chưa đăng ký. Sở NN&PTNT trực tiếp quản lý, đăng ký, đăng kiểm 1.612 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên.
Có thể bạn quan tâm
12:19, 13/08/2019
08:00, 11/08/2019
15:38, 09/08/2019
Sở này sẽ cấp phép theo hạn ngạch khai thác thủy sản. Theo đó, tàu cá dưới 12m hoạt động ven bờ không phát triển, đồng thời thực hiện rà soát đăng ký cấp phép khai thác cho tàu đủ điều kiện. Trường hợp tàu cá dưới 12m hoạt động ven bờ có nguyện vọng được bổ sung, đóng mới thay thế bằng tàu từ 12m trở lên thì được cấp phép. Bên cạnh đó, duy trì ổn định và thực hiện đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác 100% đội tàu từ 12m trở lên khai thác ở vùng lộng và vùng khơi, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản cho biết, 28 tỉnh ven biển nước ta có khoảng 35.054 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên được hoạt động ở vùng khơi theo hệ thống pháp luật về thủy sản năm 2003. Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 ban hành và có hiệu lực, chỉ có 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được hoạt động tại vùng khơi (29.408 chiếc khai thác thủy sản và 2.133 chiếc tàu hậu cần khai thác).
Theo Luật Thủy sản mới, các tàu cá để được cấp phép khai thác vùng khơi phải có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Cơ sở và căn cứ áp dụng kích thước này theo thông lệ chung của quốc tế, khu vực về quản lý nghề cá cũng như thực tế nghiên cứu, khảo sát cho thấy tàu có kích thước 15m trở lên khi khai thác vùng khơi có gặp bão và sóng lớn hệ số an toàn tốt hơn các tàu mà chiều dài nhỏ hơn 15m, nhưng lại lắp máy công suất 90CV.