Quảng Ninh: Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động

HẢI NGÂN 16/10/2021 13:20

Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm, thu hút người lao động, đáp ứng đủ nhu cầu lao động của các thành phần kinh tế trên địa bàn, không để đứt gãy của nguồn cung lao động.

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khi nói về các kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.

Người lao động ứng tuyển trực tuyến thông qua trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Người lao động ứng tuyển trực tuyến thông qua trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phục hồi phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số.

Ông Nguyễn Xuân Ký cũng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động, nhất là lao động chất lượng cao, có kỹ năng đáp ứng đủ nhu cầu lao động của các thành phần kinh tế trên địa bàn, không để đứt gãy của nguồn cung lao động. Đồng thời, tận dụng cơ hội địa bàn an toàn, ổn định phát triển trong trạng thái bình thường mới để tạo đột phá trong thu hút lao động, nhân lực có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng đầu năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ 2020. Trong đó, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm đạt trên 33.500 tỷ đồng, bằng 93%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 64.000 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Còn theo BQL KKT tỉnh Quảng Ninh, đến hết tháng 9/2021, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút đầu tư tăng thêm được trên 40.300 tỷ đồng, đạt 139% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, 18 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư gần 38.000 tỷ đồng được thực hiện cấp mới và 6 dự án, với tổng nguồn vốn trên 2.300 tỷ đồng được điều chỉnh đầu tư.

Việc nhiều dự án được cấp mới và tăng vốn đầu tư cũng sẽ dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động để phục vụ cho sản xuất kinh doanh tăng cao. Đơn cử như 2 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo của công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam tại thị xã Quảng Yên. Trong giai đoạn một của dự án, phía công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.500 - 1.600 lao động với mức lương cơ bản 4,3 triệu đồng; tổng thu nhập khoảng 11 - 13 triệu đồng/người/tháng, bao gồm nhiều vị trí: Kỹ sư, nhân viên hành chính; lao động phổ thông, quản lý sản xuất… Trong đó, ưu tiên tuyển dụng lao động trên địa bàn thị xã Quảng Yên bị ảnh hưởng bởi việc bồi thường GPMB để triển khai các dự án.

Theo sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, trên tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết bài toán về nguồn lao động, đơn vị sẽ tiếp tục hướng dẫn công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam xây dựng chế độ chính sách phù hợp, theo đúng quy định của luật.

Còn phía trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh hỗ trợ đăng tải thông tin tuyển dụng trên website, các trang mạng xã hội của đơn vị, xúc tiến tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm định kỳ có kết nối online với các tỉnh trong cả nước. Về phía thị xã Quảng Yên và các địa phương lân cận cũng sẽ tập trung rà soát lao động trên địa bàn, thông tin rộng rãi đến người dân về nhu cầu tuyển dụng của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

Theo đại diện công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, để thu hút người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong từng giai đoạn, doanh nghiệp sẽ chủ động tham khảo, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng, chế độ lương, phúc lợi phù hợp với điều kiện làm việc, cũng như tình hình địa phương.

Người lao động làm việc tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Người lao động làm việc tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng bị mất việc làm, hoặc phải giãn việc luân phiên đã tác động không nhỏ đến đời sống của nhiều lao động tại các địa phương. Để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa kịp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tổ chức hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua hình thức trực tuyến thay cho việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung.

Theo trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng có thể tiếp cận gần hơn với người lao động, cũng như hỗ trợ người lao động tìm được công việc phù hợp; thông tin việc làm, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website, facebook của trung tâm. Trung tâm cũng phân công cụ thể từng cán bộ đến doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của đơn vị, thu thập thông tin, cung cấp đến người lao động một cách thiết thực. Qua đó, tư vấn việc làm trực tiếp giúp người lao động tìm được việc làm, tiếp cận công việc phù hợp với trình độ.

Anh Nguyễn Thế Thành (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) cho biết, sau khi học trung cấp điện nước ra trường, do không tìm được việc làm nên anh đành đi làm nghề xe ôm. Tuy nhiên, khi công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Hải Hà đi vào hoạt động, thông qua trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh giới thiệu, anh đã được nhận vào làm việc tại công ty. Được làm việc ở công ty lớn, có xe đưa đón và mức thu nhập ổn định, nên cuộc sống gia đình anh đã được cải thiện đáng kể.

Tính đến hết tháng 9/2021, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ đăng tải thông tin tuyển dụng lao động cho khoảng 16 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN, CCN trên địa bàn; hơn 500 doanh nghiệp ngoài KCN, CCN. Từ những thông tin được đăng tải, các doanh nghiệp đã tuyển dụng được trên 1.800 người lao động.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29.500 lao động. Trong đó: Tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 7.000 lao động trở lên; giải quyết việc làm thông qua các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công cho 1.500 lao động trở lên; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 400 lao động trở lên; giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh cho 20.600 lao động; nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh lên trên 45%.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu tích cực cho cảng biển Quảng Ninh

    Tín hiệu tích cực cho cảng biển Quảng Ninh

    16:10, 12/10/2021

  • Quảng Ninh khơi thông du lịch nội địa

    Quảng Ninh khơi thông du lịch nội địa

    21:07, 11/10/2021

  • Quảng Ninh: Cải cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    Quảng Ninh: Cải cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    12:00, 11/10/2021

  • Quảng Ninh “ươm mầm” cải cách: 10 năm đi tìm phương thức, triết lý phát triển

    Quảng Ninh “ươm mầm” cải cách: 10 năm đi tìm phương thức, triết lý phát triển

    04:40, 11/10/2021

  • Quảng Ninh - địa phương “ươm mầm” cải cách

    Quảng Ninh - địa phương “ươm mầm” cải cách

    05:11, 10/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO