Quảng Ninh: Đẩy mạnh khoa học công nghệ cao vào sản xuất, giúp nâng cao giá trị nông sản

TRUNG THÀNH 13/10/2023 01:35

Thời gian qua, để nâng cao giá trị nông sản, Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp tăng năng suất. Đặc biệt giúp nông sản được truy xuất nguồn gốc và bao tiêu đầu ra.

>>>Quảng Ninh: Hiệu quả chuyển đổi số cho nông dân

Từ áp dụng khoa học công nghệ cao...

Theo tỉnh Quảng Ninh: Những năm gần đây, hạ tầng nông thôn, hạ tầng sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ. Các chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch của tỉnh đã trở thành trợ lực thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Theo đại diện Doanh nghiệp sản xuất Phương Thùy – TP Uông Bí: Hiện nay, với quy trình sản xuất trong môi trường nhà lạnh vô trùng, hệ thống làm mát, làm ẩm, thu nước, thu ẩm, tăng hạ nhiệt đều hiện đại, tự động theo chế độ cài đặt sẵn, hoặc cảm ứng, phù hợp với quy trình sản xuất, cũng như sự phát triển của đông trùng hạ thảo. Sản phẩm đang được đánh giá cao, chất lượng tốt.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ sau khi thu hoạch, được tự động chọn lọc, phân loại, sấy khô bằng thiết bị sấy thăng hoa, đảm bảo giữ nguyên 99% hình dáng, màu sắc, mùi vị, đặc biệt là đảm bảo đến 100% tinh chất. Đông trùng hạ thảo sấy khô đã được coi là sản phẩm thương mại, có thể đưa ra thị trường để người tiêu dùng sử dụng luôn, hoặc có thể trở thành nguyên liệu để kết hợp với các nguyên liệu khác, chế biến thành những sản phẩm tinh chế.

Cánh đồng lúa Đông Triều áp dụng KHCN vào sản xuất (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Cánh đồng lúa Đông Triều áp dụng KHCN vào sản xuất (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Hiện Cơ sở Phương Thuỳ đang có gần 20 loại sản phẩm được chế biến từ đông trùng hạ thảo, trong đó đa số đều nằm trong danh mục sản phẩm OCOP, 5 sản phẩm đạt 3-4 sao, được người tiêu dùng tin tưởng, nhiều sản phẩm được các đơn vị y tế, đơn vị ngành than đặt hàng với số lượng lớn.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp đặc sản đồng rươi Đông Triều: Đối với các sản phẩm gạo đồng rươi của doanh nghiệp Đặc sản đồng rươi Đông Triều, hàm lượng khoa học công nghệ ở đây chính là việc tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt. Gạo đồng rươi được hình thành ở những cánh đồng ven sông, cũng là môi trường để con rươi sinh sống và phát triển. Từ quy trình sản xuất, chế biến hiện đại, xanh, sạch như trên, gạo đồng rươi của doanh nghiệp đạt chất lượng cao, thơm nhẹ, ngọt nhẹ, nhiều cám và đậm vị, rất khác biệt so với các loại gạo khác trên thị trường. Hiện nay doanh nghiệp đang có các chủng loại gạo rươi Bắc Thơm, gạo rươi lứt Hồng Hương, gạo rươi lứt đỏ, gạo rươi nếp cái hoa vàng, gạo lứt Ngọc Hương, trà, cốm gạo lứt Ngọc Hương và Hồng Hương... Sản lượng sản xuất hằng năm đạt khoảng 200 tấn, tuy nhiên hiện cung không đủ cầu.

Có thể kể đến các mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại trên toàn tỉnh hiện nay, như: Vườn rau không đất (thuỷ canh), trang trại di động, thuỷ canh lưu hồi, cây trồng hữu cơ trong nhà lưới, NTTS trên cạn, nuôi tôm trong nhà, tiêu thụ nông sản online... Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, như: Công nghệ tưới tiêu tự động, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chọn lọc giống trên đàn gia cầm, trên cây hoa lan, gieo mạ trên khay, cấy lúa bằng máy...

Được biết, hiện toàn tỉnh đang có 7.000 máy làm đất, 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát, 700 máy gieo sạ... Tỷ lệ cơ giới hoá trong nông nghiệp đã được thực hiện ở các khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

...đến nâng cao giá trị

Theo Sở NN&PTNT: Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp,... đặt ra cho ngành nông nghiệp địa phương phải có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển.

Vì vậy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân đã xây dựng và thực hiện thành công và có hiệu quả mô hình “sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm”

Các cánh đồng lúa rươi cho 2 loại nông sản sạch là con rươi và hạt gạo (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Các cánh đồng lúa rươi cho 2 loại nông sản sạch là con rươi và hạt gạo (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Để giúp nông dân và doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị nông sản, Hội nông dân tỉnh đã tổ chức Chương trình Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp năm 2023.

Theo Hội nông dân tỉnh: Năm 2023, chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Đây là lần thứ 2 chương trình diễn ra với một số đổi mới về nội dung, cách thức triển khai, tiếp tục tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ tới Hội Nông dân 13 địa phương trong tỉnh. Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn ít nhất 3 sản phẩm tiêu biểu của địa phương, gửi hồ sơ tham gia bình chọn.

Để được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh, mỗi sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí được quy định rõ trong Điều lệ bình chọn do Hội Nông dân tỉnh ban hành. Trong đó bao gồm các nội dung như: Phải là sản phẩm chủ lực của địa phương, có chất lượng cao; có tính xã hội cao, độc đáo, mang tính phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; đạt các chứng nhận (chứng nhận ATTP hoặc tương đương, chứng nhận nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm OCOP); không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không phải là hàng giả, hàng nhái; có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc...

Ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn 35 sản phẩm tiêu biểu để tôn vinh, trên tổng số 53 sản phẩm được 13 huyện, thị xã, thành phố đề cử; các sản phẩm đều có chất lượng, quy mô sản xuất được nâng lên rất nhiều, tạo tính lan tỏa cao trong xã hội. Điều đó cho thấy chương trình đã được đón nhận sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân.

Theo bà Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà: Năm 2023, Hội Nông dân huyện Đầm Hà đã đề cử 3 "ứng viên" mới để lựa chọn biểu dương tại chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh.

Còn tại TP Uông Bí, năm 2023 có tới 5 sản phẩm của 3 đơn vị được Hội Nông dân thành phố gửi tham dự chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh và đều được Hội đồng bình chọn thống nhất lựa chọn. Theo bà Hoàng Kim Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, khi được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, điều bắt buộc là các sản phẩm phải được sản xuất theo một quy trình khắt khe, đặt chất lượng lên hàng đầu và được kiểm chứng bởi những đơn vị, chuyên gia có uy tín, đủ thẩm quyền...

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà

Đây chính là một bước đệm để tiếp cận thuận lợi tới các thị trường lớn, kết nối với đông đảo bạn hàng gần xa. Vì vậy, ngay cả khi chương trình đã kết thúc, các đơn vị sản xuất kinh doanh vẫn phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Nam – Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp xanh cho biết: Hiện nay, nhu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, họ đưa ra những tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo đạt hàng rào kỹ thuật, GlobalGAP, hay các tiêu chuẩn về hữu cơ hoặc theo nhu cầu thị trường của nước đó. Do đó, bà con nông dân phải gắn với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Theo đó, không ít sản phẩm trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nay đã dần phát triển đúng hướng, trở thành sản phẩm chuyên nghiệp, mở rộng thị trường. Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín với các khâu nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông thôn...

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Hiệu quả chuyển đổi số cho nông dân

    Quảng Ninh: Hiệu quả chuyển đổi số cho nông dân

    08:26, 10/10/2023

  • Doanh nhân nữ Quảng Ninh: Những bông hoa kiên cường đi trong “bão”

    Doanh nhân nữ Quảng Ninh: Những bông hoa kiên cường đi trong “bão”

    00:00, 10/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Đẩy mạnh khoa học công nghệ cao vào sản xuất, giúp nâng cao giá trị nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO