Những con tàu vỏ gỗ của doanh nghiệp kinh doanh trên vịnh Hạ Long đã và đang phải đối mặt với tình trạng bị đình chỉ hoạt động khi niên hạn tàu đến ngưỡng 15 năm…
Đó là nội dung chính trong "đơn kiến nghị" các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh tàu Du lịch trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long vừa gửi đơn kêu cứu lên báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Không chỉ như vậy, những doanh nghiệp này còn... chỉ sợ vô tình vi phạm vào các qui định quản lý tàu du lịch hoặc vi phạm hợp đồng với Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Như ngồi trên lửa…
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể du thuyền Hạ Long vẫn đứng ngồi không yên về Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đặc biệt liên quan đến vấn đề niên hạn tàu. Theo Quyết định này của UBND tỉnh Quảng Ninh thì tàu vỏ gỗ thay vì có niên hạn từ 20-25 năm như trong Nghị định 111/2014/NĐ-CP quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy đã bị Quyết định số 4088 rút ngắn xuống còn 15 năm.
Ngày 10/3/2016, Cục Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã có Thông báo 119/KtraVB-RSHTH&HN yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh tạm dừng và bãi bỏ các quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề niên hạn tàu. Nhưng từ đó đến nay đã gần 2 năm trôi qua xong UBND tỉnh vẫn chưa có ý kiến chính thức nào về vấn đề này, gây cho các chủ tầu hoang mang và không biết phải đầu tư như thế nào với các phương tiện 15 năm tuổi của mình.
Không những vậy, Quyết định 4088 của UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục được áp dụng, được viện dẫn làm cơ sở để UBND TP Hạ Long từ chối cấp phép rời cảng, bến, đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đối với các tàu du lịch.
Doanh nghiệp "giật mình thon thót"…
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch Hạ Long cứ giật mình thon thót, chỉ sợ vô tình “hớ hênh” một chút thôi là rất dễ bị vi phạm vào các qui định quản lý tàu du lịch hoặc vi phạm hợp đồng với Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Theo phản ánh của các chủ tàu, vấn đề bán hàng trên đò rong trên vịnh Hạ Long hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự đối với hành khách. Mặc dù du khách cũng sợ bị lấy mất đồ nhưng tâm lý của họ lại rất thích mua hải sản trên biển nên nhiều khi khó cưỡng lại. Thực tế đã có nhiều lần thuyền trưởng của tàu ngăn chặn không cho người bán hàng rong lên tàu thì thậm chí họ lao vào đánh thuyền trưởng.
Được biết, hiện nay Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang ra quân quyết liệt xử lý các đò vi phạm đồng thời UBND thành phố Hạ Long cũng đã có các Quyết định số 31/QĐ-KDTGTVPTGPCC, Quyết định số 32/QĐ-KDTGTVPTGPCC, Quyết định số 33/QĐ-KDTGTVPTGPCC và Quyết định số 34/QĐ-KDTGTVPTGPCC cùng ký ngày 19/01/2018, kiên quyết tạm giữ để xử lý các chủ phương tiện vi phạm khiến các chủ tầu rất hoan nghênh và ủng hộ.
Một trong những nỗi lo lắng thấp thỏm nữa của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện nay là việc doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra nhiều lần trong năm. Điều này trái với tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Không thanh tra chồng chéo Doanh nghiệp quá 1 lần trong 1 năm.
Theo ý kiến của hầu hết các chủ tàu, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cần có quyết định chính thức về các vấn đề liên quan đến Quyết định 4088 nêu trên để các chủ tàu yên tâm đầu tư trang sửa phương tiện, đảm bảo an toàn theo quy định.
Về vấn đề các đò bán hàng rong tự do trên biển cũng như các đò bán hải sản không có phép, chi Hội Tàu du lịch Hạ Long đề nghị cấm và tiến tới xóa bỏ hoạt động của các phương tiện này, thay vào đó đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép và quản lý một số chợ bán hải sản trên biển cho du khách. Bởi vì trên thực tế, nhu cầu của du khách mua hải sản để thưởng thức ngay trên biển hoặc mang về làm quà rất lớn, việc này cũng góp phần bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đảm bảo văn minh và an ninh du lịch, tránh việc chặt chém khách hàng hoặc sản phẩm kém chất lượng, cân thiếu và ép giá cao.