Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục hướng vào dòng khách nội địa, quốc tế truyền thống; lấy các sự kiện văn hóa lớn làm cơ hội quảng bá, chú trọng phát triển kinh tế đêm… để tạo đà tăng tốc cho du lịch.
>>>Quảng Ninh: Thu hút đầu tư “xanh” cho khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà
>>>Quảng Ninh: Mạnh tay với các dự án chậm tiến độ, vi phạm xây dựng
Thoát đáy ngoạn mục
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, 4 tháng đầu năm 2022 Quảng Ninh đón gần 4 triệu lượt khách. Trong đó, 4 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, lượt du khách đến Quảng Ninh là 340.000 người. Sức hút từ các môn thể thao tại SEA Games 31 cũng kéo dòng khách đến với Quảng Ninh. Con số này lên tới gần 100.000 lượt người vào ngày cuối tuần đón đến gần.
Không chỉ vậy, tỷ lệ lấp đầy các phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang của Quảng Ninh vào dịp cuối tuần, ngày lễ lên tới 90%, thậm chí là “cháy” phòng. Các tàu đưa khách tham quan và ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long ở tình trạng kín khách.
Đặc biệt, vào dịp cao điểm, 5 tuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đón khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Trong đó có khoảng 25.000 lượt khách tham quan ở các cảnh điểm phổ biến như: động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi... Tại các địa điểm này cũng thường xuyên quá tải ở một số thời điểm với khoảng 1.600 đến 2.000 lượt khách mỗi giờ, cá biệt có thời điểm lên tới gần 3.000 lượt khách.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, du lịch Quảng Ninh đang trên đà khởi sắc trở lại sau hơn 2 năm "xuống đáy" vì đại dịch COVID-19. Có nhiều cộng lực cho du lịch Quảng Ninh, bởi 100% điểm di tích, tôn giáo, tín ngưỡng, thắng cảnh của Quảng Ninh đều mở cửa, giúp đón trọn dòng khách hành hương lễ Phật, ước đến trên 3 triệu lượt người. Còn các sản phẩm du lịch mới, điển hình là "Phố đêm du thuyền" trên Vịnh rất hút khách với hệ thống các tàu nhà hàng có tỷ lệ đặt chỗ đạt 70-90%.
Theo ông Lại Minh Duy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TST tourist, Quảng Ninh là một trong những điểm đến hấp dẫn với lợi thế cả về hàng không, đường biển và đường bộ. Bên cạnh đó, địa phương này còn có nhiều khu nghỉ dưỡng hạng sang, cao cấp đáp ứng yêu cầu của dòng khách chất lượng cao. Hiện doanh nghiệp không chỉ đưa khách từ TP Hồ Chí Minh đi Quảng Ninh mà còn có thể khai thác chiều ngược lại vì thị trường khách vùng Đông Bắc cũng rất tiềm năng.
Tiếp đà tăng trưởng
Trong suốt 2 năm qua, mặc dù ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, tuy nhiên Quảng Ninh luôn nỗ lực thực hiện các mục tiêu là điểm đến an toàn. Đặc biệt, Quảng Ninh có nhiều quyết sách thúc đẩy ngành du lịch vượt khó và tăng trưởng trở lại để phát huy thế mạnh địa phương, phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt đưa ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn, phục hồi ngành du lịch.
>>>Quảng Ninh: Du lịch thúc đẩy bất động sản tăng trưởng trở lại
>>>Hội doanh nhân trẻ Quảng Ninh: Gắn kết vượt đại dịch
Theo bà Phan Thị Lệ Giang - Trưởng Phòng VH-TT huyện Vân Đồn, địa phương hiện tập trung phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Ngoài ra, cùng với việc làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, Vân Đồn cũng đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới là thế mạnh của địa phương như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
Còn theo ông Tạ Vĩnh Thắng - Giám đốc Trung tâm TT-VH, Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Yên, huyện đã và đang xây dựng các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, trong đó có Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Đó chính là cơ sở để xây dựng Tiên Yên trở thành điểm đến của du lịch văn hoá cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc vùng núi Đông Bắc. Đồng thời là trung tâm du lịch sinh thái trang trại và du lịch sinh thái rừng ngập mặn lớn của miền Bắc.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón từ 9,53 đến 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Giải pháp mà Quảng Ninh đưa ra để tiếp đà tăng trưởng và đạt được mục tiêu trên là tiếp tục hướng vào dòng khách nội địa, trong đó nét mới là đối tượng khách từ phía Nam. Đối với khách quốc tế, tỉnh sẽ chú trọng dòng khách truyền thống gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ; đồng thời chuẩn bị điều kiện đón khách Trung Quốc khi nước này thay đổi chiến lược "Zero COVID".
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đổi mới chiến lược truyền thông, ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh, lấy các sự kiện văn hóa, thể thao lớn làm cơ hội quảng bá du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế đêm… Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ tốt cho ngành “công nghiệp không khói” này.
Theo ông Phạm Ngọc Thuỷ, ngoài tổ chức sự kiện đặc sắc như đăng cai các giải thể thao quốc tế gắn với SEA Games 31 và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh còn có các chính sách ưu đãi của tỉnh và các gói kích cầu du lịch với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Tỉnh Quảng Ninh luôn mong muốn tăng cường hợp tác phát triển du lịch với tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Cũng theo ông Thuỷ, việc đảm bảo nguồn nhân lực du lịch không phải chỉ riêng cho những tháng mùa hè này mà cho cả mùa đông tới và những năm tiếp theo. Thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các đơn vị đào tạo trên địa bàn như Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt - Hàn… để đào tạo mới lao động. Từ việc đẩy mạnh đào tạo mới, đào tạo lại, Quảng Ninh kỳ vọng cùng với tiến độ tăng lên về lượng khách thì địa phương sẽ đảm bảo tốt về nguồn nhân lực.
Ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cho biết hiện nay cảng bổ sung trung tâm hỗ trợ hành khách, cập nhật đầy đủ thông tin về lịch trình các chuyến tàu tham quan Vịnh, số hoá bằng phần mềm, nhằm tạo sự chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh trong thực hiện dịch vụ và quản lý du khách…
Có thể bạn quan tâm