Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chính là một trong 3 đột phá chiến lược được Quảng Ninh xác định trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025 và lâu dài.
>>>Quảng Ninh: Từ du lịch đến Hội chợ OCOP
>>>Quảng Ninh: Vân Đồn khởi công 4 dự án trọng điểm
Tiên phong đi trước
Từ đầu năm 2021 đến nay tỉnh Quảng Ninh đã thi công hoàn thành hơn 30 công trình giao thông. Điển hình như cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được đưa vào khai thác, sử dụng trong sự vui mừng, phấn khởi của đông đảo nhân dân, sự chúc mừng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương.
Nối tiếp sẽ là các công trình hoàn thành vào giai đoạn cuối năm nay như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cao tốc cuối cùng để hình thành trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; cầu Cửa Lục 3, thêm một công trình nối đôi bờ Cửa Lục, khẳng định quyết tâm xây dựng Hạ Long là đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất nước về diện tích tự nhiên và sự đa dạng độc đáo về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đóng vai trò kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội. Đây đều là các dự án giao thông mang ý nghĩa “mở đất, mở đường”, các cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực, quốc tế được mở ra, dư địa đất đai được phát huy.
Để tăng cường liên kết vùng, kết nối khu vực, Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong quý III/2022 đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều, dài 41,2km, tổng mức đầu tư trên 9.400 tỷ đồng. Tuyến đường có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Đồng thời đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn mà mỗi địa phương đang sở hữu, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng khu vực phía Tây, cũng như hạt nhân đô thị Hạ Long; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư...
>>>Quảng Ninh: Tạo “bệ phóng” phát triển năng lượng sạch
Được biết, tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu để đầu tư đường kết nối Hạ Long - Lạng Sơn và Hạ Long - Bắc Giang. Đây là những tuyến giao thông quan trọng kết nối, liên kết vùng; nhất là kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch Quảng Ninh và Bắc Giang, Lạng Sơn. Đồng thời, giảm thời gian di chuyển từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Hạ Long và ngược lại; giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương vùng cao thoát nghèo.
Tăng cường liên kết các vùng miền
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là động lực quan trọng để tăng trưởng, hình thành chuỗi kết nối kinh tế. Do vậy, với vai trò "đi trước, mở đường" của ngành giao thông, để khai thác lợi thế về vị trí chiến lược của Quảng Ninh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền… Sở GT-VT đã tham mưu với tỉnh triển khai định hướng phát triển mạng lưới giao thông được lồng ghép trong quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
Với quan điểm là tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong và ngoài tỉnh. Điều này sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Theo đó giai đoạn tới, hạ tầng giao thông Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của tỉnh, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Trong đó, tập trung nâng cấp, mở rộng, bổ sung xây dựng mới một số tuyến có tính kết nối, nhu cầu vận tải cao; chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển kết nối các vùng đô thị để phân bổ lưu lượng giao thông, tránh nguy cơ ùn tắc, hình thành những “mạch máu” giao thông quan trọng.
Định hướng rõ nét với quan điểm giao thông "đi trước, mở đường” sẽ là cơ sở để tỉnh triển khai các quy hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực trong thời gian tới.
Được biết, Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Những năm qua, Quảng Ninh đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường liên kết và đã được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh năng động, đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với quan điểm "3 không" (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt”… để tìm cách gỡ bỏ. Đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, là động lực "đi trước, mở đường", bởi đường đi đến đâu thì người dân, địa phương nơi đó phát triển đến đấy, "có đại lộ là có đại phú"… Do vậy, tỉnh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Từ đó hình thành nên chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km, sở hữu cảng tàu khách quốc tế, sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và các trục đường mới kết nối đến hầu khắp các tuyến giao thông trọng điểm, các tỉnh khu vực phía Bắc...
Theo lãnh đạo sở GTVT Quảng Ninh cho biết: Ngày nay, khi đến các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đều có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo. Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, những cây cầu vững chắc bắc qua những con sông đã kết nối giao thông thuận tiện, giảm khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.
Với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông cho sự phát triển toàn diện, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông trọng điểm khác kéo dài từ vùng Đệ tứ Chiến khu Đông Triều đến địa đầu Móng Cái như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cao tốc cuối cùng để hình thành trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội...
Hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển tại các vùng khó khăn, cửa khẩu cũng đang được tập trung thực hiện như: Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ) của huyện Tiên Yên; đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng An; nút giao thông cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn kết nối QL18C (huyện Bình Liêu)... cùng với đó là việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ, những cây cầu tại nhiều địa bàn trong tỉnh.
Từ những công trình kết nối vùng đã và đang tạo ra dư địa cùng sự phát triển mới cho Quảng Ninh nói riêng và cả vùng nói chung. Quảng Ninh đang khẳng định vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế.
Có thể bạn quan tâm