Quảng Ninh: Kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém

HẢI NGÂN 28/12/2021 02:14

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo nhân lực, thiết bị như đã cam kết để đảm bảo tiến độ dự án đầu tư công.

>>>Quảng Ninh: Thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo thành ngành kinh tế quan trọng

>>>Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Khu công nghiệp Sông Khoai

Không đạt theo kỳ vọng (?)

Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2021, tuy nhiên số vốn đầu tư công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa giải ngân được là trên 2.700 tỷ đồng. Được biết, Quảng Ninh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là trên 95%. Tuy nhiên, tính đến ngày 19/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh mới đạt trên 13.400 tỷ đồng, đạt 78,3% kế hoạch. Như vậy, tổng số vốn cần phải giải ngân đến 31/12/2021 là trên 2.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn Trung ương và tỉnh phân bổ gần 1.400 tỷ đồng, phần vốn huyện phân bổ trên 1.380 tỷ đồng. Để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, từ ngày 19/12 đến hết năm 2021, trung bình mỗi ngày các chủ đầu tư, địa phương phải giải ngân khoảng 232 tỷ đồng.

Đơn vị nhà thầu đang tích cực thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hạ Long

Đơn vị nhà thầu đang thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hạ Long (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Hồng Dương - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết: Trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách huyện thấp, có 3 địa phương khó có thể hoàn thành công tác giải ngân vốn theo chỉ đạo của tỉnh gồm: Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công được một số địa phương đưa ra là do hầu hết các dự án được triển khai, nhất là các dự án khởi công mới năm 2021 của huyện đều vướng mắc về mặt bằng thi công nên chưa có khối lượng thực hiện hoàn ứng vốn và giải ngân tiếp kế hoạch vốn. Ngoài ra, công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cho các dự án cần GPMB từ hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh còn chậm, kéo dài, thẩm định nhiều lần…

Công trường thi công hồ chứa nước Khe Giữa (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công trường thi công hồ chứa nước Khe Giữa (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Như tại huyện Vân Đồn, năm 2021, địa phương được giao làm chủ đầu tư triển khai thi công 92 dự án, công trình, với tổng nguồn vốn được phân bổ trên 435 tỷ đồng. Trong đó, có 77 dự án, công trình chuyển tiếp và 15 dự án khởi công mới. Tuy nhiên, nhiều dự án khi triển khai chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nên phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến kéo dài. Công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cho các dự án cần GPMB từ hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh còn chậm, kéo dài, thẩm định nhiều lần, dẫn đến huyện Vân Đồn không thể sớm phê duyệt các phương án GPMB

Theo đại diện các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trong quá trình thi công dự án, nhà thầu đã gặp nhiều khó khăn như: ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, tác động dịch COVID-19 khiến việc huy động lao động, thiết bị chậm; giá vật tư, thiết bị tăng cao, một số vị trí thiết kế điều chỉnh, bổ sung chậm… đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Hiện các nhà thầu đều xây dựng đường găng dự án hoàn thành vào 31/12, nhưng thời gian các hạng mục công việc rất sát kế hoạch, chỉ một hạng mục không đảm bảo, nguy cơ thủng tiến độ sẽ rất cao.

>>>Quảng Ninh: Giải pháp nào cho quản lý tài sản công?

>>>Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa

Theo ông Lê Văn Chính - Đại diện nhà thầu Hoàn Hảo, đơn vị thi công trên tuyến cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên cho biết, đơn vị trúng thầu thi công đường đoạn từ Km72+578 đến Km74+800 dài hơn 2km. Ngay sau khi ký hợp đồng triển khai, nhà thầu đã huy động gấp đôi nhân lực, thiết bị máy móc so với cam kết cùng chủ đầu tư để tổ chức thi công tích cực. Thời điểm thi công do nền đất yếu, cơ bản là bãi triều, công tác tổ chức thi công khu vực giáp ranh với biển, thời gian thi công phụ thuộc vào thủy triều… nên tiến độ dự án cũng bị ảnh hưởng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, song các địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn đang nỗ lực chạy nước rút, cố gắng hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ông Trần Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn cho biết, đơn vị đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu các dự án thi công dứt điểm các dự án chuyển tiếp theo tiến độ hợp đồng để bàn giao đưa vào sử dụng. Đồng thời, thực hiện nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, xem xét thu hồi các khoản đã tạm ứng, nhất là các công trình có số dư tạm ứng cao; nghiệm thu và tổng hợp quyết toán đúng thời gian quy định, kiên quyết dừng thanh toán vốn đầu tư đối với nhà thầu chậm nộp quyết toán theo cam kết.

Nhiều phương án cho công tác đầu tư trong năm 2022

Giải ngân vốn đầu tư công là điểm tựa giúp tỉnh Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và đặt mục tiêu trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo phân tích của các đơn vị liên quan, Quảng Ninh sẽ có khoảng 949 tỷ đồng không thể giải ngân hết trong năm 2021. Trong đó, có 700 tỷ đồng vốn thi công đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên; 52 tỷ đồng vốn GPMB dự án đường ven sông đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều; trên 197 tỷ đồng vốn đầu tư nhóm 6 dự án y tế.

Công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua huyện Vân Đồn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua huyện Vân Đồn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Nhằm rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và điểm nghẽn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, chuẩn bị tốt công tác đầu tư trong năm 2022, theo ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo nhân lực, máy móc, thiết bị như đã cam kết.

Ông Văn cho biết, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB, cơ chế, chính sách trong GPMB; tập trung xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân, bố trí tái định cư, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa theo quy định; đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là các dự án đầu tư công đã được xác định cụ thể trong giai đoạn tới.

Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư phải trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch, triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, chậm nhất trong quý I/2022; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án. Trong đó, đặc biệt lưu ý, lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, kiên quyết không chấp thuận các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo năng lực, làm chậm tiến độ thi công dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. 

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo thành ngành kinh tế quan trọng

    Quảng Ninh: Thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo thành ngành kinh tế quan trọng

    00:51, 24/12/2021

  • Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Khu công nghiệp Sông Khoai

    Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Khu công nghiệp Sông Khoai

    15:29, 22/12/2021

  • Quảng Ninh: Sẵn sàng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản

    Quảng Ninh: Sẵn sàng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản

    01:35, 18/12/2021

  • Quảng Ninh: Giải pháp nào cho quản lý tài sản công?

    Quảng Ninh: Giải pháp nào cho quản lý tài sản công?

    10:20, 16/12/2021

  • Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa

    Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa

    01:03, 16/12/2021

  • Thủy sản Quảng Ninh “bí” đầu ra

    Thủy sản Quảng Ninh “bí” đầu ra

    13:52, 15/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO