Quảng Ninh: Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo

HẢI NGÂN 18/01/2022 01:42

Quảng Ninh đang bắt tay vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

>>>Quảng Ninh: Lời giải cho bài toán quy hoạch xử lý rác thải, nước thải

>>>Quảng Ninh: Chạy nước rút hoàn thiện cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khi nói về kế hoạch thu hút đầu tư trong thời gian tới để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từng bước trở thành “tổ đại bàng”…

Do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không thể trực tiếp đến Việt Nam suốt một thời gian dài. Bên cạnh việc đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế dịch bệnh nhanh chóng, đồng thời, nỗ lực để đảm bảo các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh an toàn, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ; hội nghị, hội thảo trực tuyến; kết nối, mời gọi các doanh nghiệp FDI đã đầu tư thành công tại Việt Nam đến đầu tư tại địa phương. Đồng thời tổ chức rất thành công việc đón các chuyến bay đưa các chuyên gia và kỹ sư nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp được ổn định trong tình hình dịch bệnh.

2 dự án của Jinko Solar đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai (TX Quảng Yên) với tổng vốn hơn 865 triệu USD đang gấp rút triển khai xây dựng hạ tầng

2 dự án của Jinko Solar đầu tư tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đang gấp rút triển khai xây dựng hạ tầng (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Điển hình như vào những tháng cuối năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư Đài Loan; hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2020, Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2020 với sự tham gia của 50 CEO tập đoàn lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam...

Công nhân làm việc tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn, KCN Đông Mai

Công nhân làm việc tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn, KCN Đông Mai

Trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã gây không ít ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... đã đến với Quảng Ninh để nghiên cứu, phát triển các dự án quy mô.

Chỉ tỉnh trong năm 2021, nguồn vốn FDI đổ vào tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt trên 1 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm trước đó. Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,15 tỷ USD. Trong đó, có 85 dự án trên địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,19 tỷ USD; 60 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư trên 3,96 tỷ USD. Luỹ kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,69 tỷ USD, đạt 70% tổng vốn đầu tư đăng ký.

>>>Quảng Ninh: Chống ùn tắc cửa khẩu Móng Cái

>>>Quảng Ninh: Doanh nghiệp vào guồng sản xuất ngay từ đầu năm

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết: Đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài ở Việt Nam trong suốt hai năm qua đã khiến công tác thu hút, xúc tiến đầu tư của các địa phương gặp khó. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, với tư duy cởi mở và sự quyết tâm cao, địa phơng vẫn đang ngày càng tiếp cận rộng khắp đến các nhà đầu tư quốc tế. Việc Quảng Ninh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp vào tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã thể hiện nỗ lực của tỉnh trong kêu gọi đầu tư.

Thu hút các dự án công nghệ cao

Năm 2021, tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 28.700 tỷ đồng, gấp 3,59 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 8.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đạt trên 35.000 lao động.

Cũng trong năm này, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm 7 dự án FDI, với số vốn đầu tư đăng ký 935,025 triệu USD và 3 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký 4.468 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 44 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 112 triệu USD.

Lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền công nghệ sản xuất tấm silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai

Lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền công nghệ sản xuất tấm silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đang bắt tay vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Đồng thời, cụ thể hoá nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển bền vững và đạt được 3 đột phá.

Được biết, ngay từ đầu năm 2022, dù vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song khu vực công nghiệp - xây dựng, mà trọng điểm là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang có đà tăng trưởng ấn tượng. Tại các KCN, các nhà đầu tư vẫn đang tích cực hoạt động vào sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng và hoàn thiện thủ tục xin cấp phép đăng ký đầu tư.

Như tại KCN Đông Mai hiện đã có 6 nhà đầu tư hoạt động vào sản xuất ổn định, 4 doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng và 11 doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục xin cấp phép đăng ký đầu tư (tỷ lệ lấp đầy đạt 75,6%).

Còn tại KCN Sông Khoai, vào đầu tháng 1/2022, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) đã tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021 nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha). Đây là dự án có số vốn đầu tư cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến vào tháng 4/2022 khi chính thức hoạt động, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 2.200 lao động địa phương.

Ông Bùi Văn Khắng cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh hy vọng và tin tưởng, với ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực của nhà đầu tư, sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và GRDP của tỉnh trong năm 2022, cũng như những năm tiếp theo”.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Lời giải cho bài toán quy hoạch xử lý rác thải, nước thải

    Quảng Ninh: Lời giải cho bài toán quy hoạch xử lý rác thải, nước thải

    03:12, 17/01/2022

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn dừng nhận xe hoa quả từ 17/1

    Ùn tắc nông sản biên giới: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn dừng nhận xe hoa quả từ 17/1

    00:00, 17/01/2022

  • Quảng Ninh: Chạy nước rút hoàn thiện cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

    Quảng Ninh: Chạy nước rút hoàn thiện cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

    00:25, 11/01/2022

  • Quảng Ninh: Công nghiệp chế biến tạo động lực tăng trưởng kinh tế

    Quảng Ninh: Công nghiệp chế biến tạo động lực tăng trưởng kinh tế

    00:59, 08/01/2022

  • Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu ở Quảng Ninh

    Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu ở Quảng Ninh

    12:32, 10/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO