Việc tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc dự án FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT không chỉ nâng cao chất lượng mà còn nâng cả số lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
>>>Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp FDI đến tìm kiếm cơ hội đầu tư
>>>Thêm nhà đầu tư Nhật Bản “rót” vốn vào tỉnh Quảng Ninh
Liên tục “hút” các dự án lớn
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Ninh ước đạt gần 832,17 triệu USD. Đáng chú ý, số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 17 dự án, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT.
Theo đó, cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn xây dựng 2 nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Cũng tại KCN Sông Khoai, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long và Công ty TNHH Castem Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất (45 năm) để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, với trị giá gần 19 triệu USD.
Đặc biệt, trong số các dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh trong nửa năm qua, các dự án đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ ngành công nghiệp ô tô chiếm hơn 70% tổng vốn FDI thu hút được. Cụ thể, dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại KCN Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu. Cũng tại KCN Sông Khoai, còn có dự án của Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn.
Tại KCN Bắc Tiền Phong cũng thu hút được 2 dự án phụ trợ ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, dự án của Boltun Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình, có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án còn lại là Nhà máy Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm.
Được biết, bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của địa phương này, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh từ lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh, để hình thành một trung tâm sản xuất công nghiệp ô tô, cần quy tụ những thương hiệu lớn, sản xuất theo chuỗi khép kín với rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ. Điều này, đòi hỏi mặt bằng KCN quy mô lớn, nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và năng lượng. Đây là cũng là những vấn đề mà Quảng Ninh đang tập trung giải quyết, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung.
Hoàn thành gần xong mục tiêu
Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,2 tỷ vốn FDI trong năm 2023. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành gần xong mục tiêu thu hút vốn đầu tư với 83% chỉ tiêu vốn FDI.
Theo nhận định của các nhà đầu tư, Quảng Ninh là vùng đất hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh như cao tốc, sân bay, bến cảng… liên tục được đầu tư, hoàn thiện.
Theo đại diện Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam, sau 16 năm phát triển, đầu tư tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh mà Tập đoàn lựa chọn để triển khai những dự án sản xuất quan trọng. Điều này đã được Tập đoàn tính toán kỹ lưỡng dựa trên các điều kiện về tự nhiên, kinh tế xã hội và cả năng lực điều hành, chỉ đạo của địa phương. Đặc biệt là khi Quảng Ninh đã có 6 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI.
Được biết, để tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về GPMB, đất đai, đầu tư, xây dựng.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 548,61ha đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê. Con số này dự kiến tăng lên 3.658ha vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.904ha. Quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn nhiều sẽ đáp ứng được nhu cầu xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi phải chọn lọc những công trình mang tính đột phá để chúng tôi tập trung đầu tư. Chúng tôi đã tái cơ cấu đầu tư công, loại bỏ những công trình không cần thiết để tập trung vào những công trình, thứ nhất là các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình mang tính chất an sinh xã hội, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp để thực hiện. Với các nhà đầu tư khi đến với Quảng Ninh, ngoài việc hỗ trợ những chính sách về các thủ tục hành chính, nâng cao môi trường đầu tư, chúng tôi tập trung cho công tác đền bù, GPMB một cách nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư giải phóng nguồn lực một cách nhanh nhất, nâng cao hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ đáp ứng được tất cả điều kiện thuận lợi nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đó chính là sự phát triển của Quảng Ninh chúng tôi”.
Có thể bạn quan tâm