Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (BLGLTM) bằng những giải pháp quyết liệt với các loại tội phạm BLGLTM, nhất là tại khu vực biên giới.
>>>Quảng Ninh: Siết chặt quản lý về kinh doanh, thương mại hàng hóa
Từ chống buôn lậu khu vực biên giới
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Móng Cái, thời gian qua Ban đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống BLGLTM trên địa bàn. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP Móng Cái đã tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại Cửa khẩu và hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực biên giới, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ, trung tâm thương mại, tuyến địa bàn trọng điểm... nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối tượng BLGLTM và hàng giả. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng như: Pháo nổ, thuốc lá điếu, rượu ngoại, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm...
Còn tại huyện Hải Hà, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 huyện Hải Hà, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động XNK tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh liên tục bị gián đoạn trong thời gian dài, nhưng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn ra. Tuy nhiên, với sự chủ động, tích cực của các ngành chức năng trên tuyến biên giới, hoạt động BLGLTM trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Hải Hà đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 153 vụ/151 đối tượng liên quan đến BLGLTM, trị giá hàng hóa hơn 689 triệu đồng (giảm 70,8% về số vụ, giảm 70,2% về số đối tượng và giảm 53,9% về trị giá so với năm 2021).
Địa bàn trọng điểm của hoạt động BLGLTM chủ yếu là tuyến biên giới đường bộ thuộc các xã Quảng Sơn, Quảng Đức và khu vực QL18A, 18B, 18C (đi qua địa bàn huyện). Tại các khu vực này, một số đối tượng là lái xe tải, xe ôm được thuê vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới vào nội địa. Một số đối tượng buôn lậu trong nội địa cấu kết với các đối tượng là người địa phương thông thạo ngôn ngữ, địa bàn có quan hệ với các đối tượng người Trung Quốc đứng ra móc nối, mua bán hàng hóa, tổ chức vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chủ yếu là gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, pháo nổ, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, dược liệu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trên tuyến đường biển, tại khu vực bến tàu Hà Cối, khu bến Ghềnh Võ, cửa Đài, cửa Bò Vàng, cửa Mô, các chủ phương tiện vận tải thủy giả dạng đi đánh bắt hải sản để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về bến bãi tự tạo tại các xã ven biển với những mặt hàng: Vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, gia cầm, rượu, thuốc lá, pháo nổ, dược liệu, thiết bị y tế, thủy, hải sản...
Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 huyện Hải Hà đã chủ động tăng cường phối hợp tuần tra, lập chốt chặn trên các tuyến đường có khả năng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; quản lý chặt việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua các đường mòn, lối mở... Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống BLGLTM và hàng giả; không tham gia hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ông Nguyễn Hữu Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 huyện Hải Hà, cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCĐ389 ngày 14/2/2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống BLGLTM và hàng giả năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 huyện Hải Hà xây dựng kế hoạch và chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống BLGLTM và hàng giả. Chỉ đạo các đơn vị thành viên của huyện triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề trọng tâm theo lĩnh vực, mặt hàng và tuyến, địa bàn trọng điểm.
Triển khai đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ, tăng cường đấu tranh với các đối tượng, kiên quyết không để hình thành những đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các tụ điểm tập trung hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi sản sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả và hoạt động khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép trong nội địa.
...đến đẩy mạnh tuyên truyền
Theo BCH 389 tỉnh, Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ, trên biển, nhiều cửa khẩu, cảng bến hàng hoá, là lợi thế để phát triển kinh tế, song cũng tiềm ẩn nguy cơ các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm nếu không được kiểm soát tốt.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 17.645 doanh nghiệp, 42.717 hộ kinh doanh hoạt động lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 7 trung tâm thương mại, 12 siêu thị tổng hợp, trên 100 cửa hàng tiện ích, 22 chợ hạng 1, 23 chợ hạng 2, 90 chợ hạng 3... Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh, thương mại, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Xác định rõ đặc thù của địa phương, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi BLGLTM.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Kế hoạch số 46/KH-BCĐ389 (ngày 30/3/2023) về tuyên truyền công tác đấu tranh phòng, chống BLGLTM và hàng giả năm 2023. Trong đó chỉ đạo các ngành thành viên và UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống BLGLTM.
Cục QLTT tỉnh - đơn vị nòng cốt trong công tác phòng chống BLGLTM, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động SXKD thương mại. Nội dung, hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, như: Cung cấp thông tin trực tiếp; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí; khuyến cáo, ký cam kết thực hiện pháp luật... Qua đó đã chuyển tải những quy định, chế tài của pháp luật đối với hành vi SXKD hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong bối cảnh phía Trung Quốc mở cửa toàn diện sau đại dịch COVID-19, dự báo thời gian tới hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới sẽ diễn ra khá sôi động. Để đảm bảo hoạt động này diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật, bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên các cấp, từ tháng 4/2023 đến nay, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và 8 phường, xã khu vực biên giới của TP Móng Cái tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt được nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về Luật Hải quan, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia và các nội dung liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu mua bán, trao đổi của cư dân biên giới... Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Được biết, 4 tháng đầu năm 2023, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về công tác phòng, chống BLGLTM của các lực lượng chức năng. Nội dung, hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, được lồng ghép trong các chuyên đề. Nhờ đó nhận thức của người dân, doanh nghiệp về các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng được nâng cao; huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân trong công tác phòng, chống BLGLTM, đã cung cấp hàng trăm tin báo có giá trị, giúp lực lượng chức năng kịp thời xác minh, phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ BLGLTM; góp phần củng cố quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm