Quảng Ninh: Nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản

Lê Cường 21/09/2018 06:00

Thời điểm giao mùa này, việc đánh bắt bằng hình thức tận diệt như kích điện đang gia tặng mạnh tại vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực và có những chế tài mạnh đối với việc đánh bắt thủy sản bằng các hình thức tận diệt. Tuy nhiên, với vùng biển trải dài hàng trăm km, việc kiểm soát một lực lượng đông đảo ngư dân đánh bắt vẫn là bài toán nan giải của Quảng Ninh. Đặc biệt, thời điểm giao mùa này, việc đánh bắt bằng hình thức tận diệt như kích điện đang gia tặng mạnh.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, thời điểm chuyển mùa, nhiệt độ trong nước giảm nên các loài thủy sản thường vùi sâu dưới đáy biển, ít vận động và săn mồi. Trong trường hợp này kích điện chính là phương pháp hữu hiệu nhất để đánh bắt thủy hải sản. Bởi vậy không ít ngư dân vì cái lợi trước mắt đã bất chấp, sử dụng kích điện công suất lớn để đánh bắt, trong khi đó, đây là phương pháp khai thác có mức độ tận diệt cao, làm chết tất cả các sinh vật mà dòng điện chạy qua, kể cả trứng, ấu trùng thủy sản hay các loại rong rêu, phù du vốn là thức ăn cho thủy sản.

Rất nhiều lồng bát quái đã bị cơ quan chức năng thu giữ trong thời gian qua. Ảnh QTV

Rất nhiều lồng bát quái đã bị cơ quan chức năng thu giữ trong thời gian qua. Ảnh QTV

Có thể bạn quan tâm

  • Chả Mực Thoan - Hương vị đặc biệt của Hạ Long

    Chả Mực Thoan - Hương vị đặc biệt của Hạ Long

    09:00, 17/08/2018

  • Quảng Ninh: Tạo dựng 8.700m2 hệ sinh thái nhân tạo dưới biển

    Quảng Ninh: Tạo dựng 8.700m2 hệ sinh thái nhân tạo dưới biển

    13:00, 11/09/2018

  • Hạ Long – Quảng Ninh: Chủ tàu mỏi cổp/“ngóng” quy hoạch

    Hạ Long – Quảng Ninh: Chủ tàu mỏi cổ “ngóng” quy hoạch

    11:30, 09/09/2018

  • Công nghệ Bakture sẽ giải nguy ô nhiễm hồ Hùng Thắng, Hạ Long (Quảng Ninh)?

    Công nghệ Bakture sẽ giải nguy ô nhiễm hồ Hùng Thắng, Hạ Long (Quảng Ninh)?

    21:30, 22/08/2018

Cũng theo ông Minh, ngoài kích điện, ngư dân còn sử dụng lồng bát quái liều lĩnh đánh bắt thủy sản trong vùng vịnh Hạ Long nhưng không lưu giữ lồng trên tàu mà chỉ vớt lên lấy thủy sản rồi lại đặt lồng lại các vị trí đáy biển. Ngoài ra còn sử dụng cào sắt để cào đáy bắt nhuyễn thể, song khi lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng cắt đứt dây bỏ lại cào dưới biển, chính bởi vậy công tác phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm này rất khó khăn.

“Giã cào hay lồng bát quái cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng, chủng loại và môi trường sống của các loại thủy sản không kém gì loại hình kích điện, trong đó lồng bát quái chặn đứng đường di chuyển của các sinh vật biển tầng đáy và giã cào phá hủy môi trường tầng đáy”, ông Minh nhấn mạnh

Chính việc khai thác, đánh bắt tận diệt này mà gần đây một số loài hải sản của biển Quảng Ninh đang trở lên khan hiếm hơn, bà Nguyễn Thị Nhung chủ cơ sở Hải sản Hiền Nhung chia sẻ, hiện nay ốc nhảy, ngán, mực mai, cá kìm rất ít. Nhiều khách hàng hỏi, tuy nhiên chúng tôi không có để đáp ứng, lý do là bà con ngư dân trong quá trình đánh bắt bằng hình thức tận diệt đã khiến cho ấu trùng, trứng, con nhỏ bị chết. Trong khi, đây đều là những loại hải sản chưa thể nuôi được.

Theo số liệu đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, từ quý II đến nay, số vụ vi phạm đánh bắt thủy sản do cơ quan chức năng phát hiện đã tăng 1,8 lần và tăng 2,7 lần về số tiền phạt so với quý I. Riêng tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh xử lý 270 vụ vi phạm đánh bắt (tăng 64%) và xử phạt trên 1 tỷ đồng (tăng 42% so với tháng 7).  Ngay trong 10 ngày đầu tháng 9, tỉnh này đã xử lý gần 40 vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản, trong đó quá nửa là hình thức đánh bắt tận diệt

Trước sự gia tăng đáng lo ngại, mới đây Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp, rà soát các vùng ven biển để phát hiện, thu giữ phương tiện, dụng cụ đánh bắt trái phép, đặc biệt là lồng bát quái ngư dân đặt chìm sẵn dưới nước. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng tăng cường công tác bám biển, ra quân xử lý các trường hợp vi phạm.

Đối với vùng vịnh Hạ Long, bắt đầu từ 1/10 tới đây sẽ nghiêm cấm việc đánh bắt thủy sản dưới mọi hình thức (trừ nghề câu, lặn giải trí phục vụ du khách). Chính quyền địa phương sẽ ra quân kiểm soát chặt chẽ và xử lý mạnh nếu phát hiện trường hợp đánh bắt thủy sản.

Cũng theo Sở NN&PTNT, ngoài yếu tố bảo vệ và xử lý mạnh đối với những tác động mang tính hủy diệt của con người, bắt đầu từ tháng 9 này, Sở chính thức triển khai dự án tạo dựng bãi rạn nhân tạo tại vùng biển Cô Tô, nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2018-2019.

Rạn nhân tạo được xây dựng bằng những vật liệu tự nhiên và thả xuống đáy biển làm thay đổi địa hình, môi trường... theo hướng thuận lợi cho các loại động vật thủy sinh cư trú, phát triển.

Lộ trình của dự án là đến hết năm 2019 sẽ tạo dựng được 8.700m2 rạn nhân tạo tại 3 vùng biển quanh quần đảo huyện Cô Tô. Trong đó, mỗi khu vực có diện tích 2.900m2, bao gồm 300m2 rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô và 2.600m2 rạn nhân tạo kết hợp chà nổi, tổng kinh phí là 3,05 tỷ đồng, trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2018 của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO