Với tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng sự dịch chuyển vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài, đẩy mạnh thu hút đầu tư với phương châm “Cùng đi, cùng đến, cùng đồng hành và cùng phát triển”.
>>>Quảng Ninh: Vân Đồn khởi công 4 dự án trọng điểm
Nỗ lực thu hút đầu tư
Dù dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm qua đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh toàn cầu, ngay cả đối với những quốc gia phương tây có nền kinh tế phát triển. Trong bối cảnh đó, Ban Quản lý KKT tỉnh, đơn vị có chức năng quản lý, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn KCN, KKT, đơn vị đã chủ động đổi mới phương thức xúc tiến, hỗ trợ đầu tư. Thay bằng tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư, đơn vị đã xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT trong tỉnh, trao đổi với nhà đầu tư qua email, zalo, fanpage, hội nghị trực tuyến…
Theo đó, Ban Quản lý KKT tỉnh đã phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT tỉnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm 1 dự án thuộc lĩnh vực logistics, 3 dự án thuộc hạ tầng kỹ thuật KCN và 8 dự án sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng thời, Ban Quản lý KKT tỉnh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng đầu tư tại các KCN, KKT nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ KH&ĐT, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư tại Đài Loan vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử. Hội nghị thu hút hơn 100 đại diện doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Trong năm qua, đơn vị đã tiếp xúc, làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 30 lượt nhà đầu tư nước ngoài để trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư vào địa bàn KCN, KKT. Các nhà đầu tư đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; sau làm việc, hầu hết nhà đầu tư đã đặt vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư và có cam kết quá trình thực hiện dự án.
Được biết, trong năm 2021, khi Tập đoàn Jinco Solar quyết định đầu tư 2 dự án tại Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư trên 800 triệu USD. Quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án này chỉ 4 ngày kể từ khi Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định. Từ khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh có ý kiến chấp thuận, đến khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 1 ngày làm việc (sớm 4 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính). Hiện tại, 2 dự án này đang được chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện, đúng như cam kết với tỉnh.
Thu hút FDI khởi sắc
Được biết, năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn các KCN, KKT toàn tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, tương đương gần 25.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và đạt 269% kế hoạch thu hút vốn FDI của năm. Trong đó, thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án FDI, với số vốn đăng ký trên 960 triệu USD, tương đương hơn 22.200 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho 17 lượt dự án FDI, trong đó có 4 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt gần 112 triệu USD, tương đương 2.701 tỷ đồng.
>>>PCI 2021: Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm đứng đầu lần thứ 5 liên tiếp
>>>Quảng Ninh: Tạo “bệ phóng” phát triển năng lượng sạch
Tiêu biểu như dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tại KCN Sông Khoai, vốn đầu tư gần 500 triệu USD; dự án công nghệ tấm Silic Jinco Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai, vốn đầu tư trên 365 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam tại KCN Đông Mai, vốn đầu tư 10 triệu USD; dự án nhà máy Lioncore Việt Nam tại KCN Đông Mai, vốn 30 triệu USD; dự án nhà máy may số 2 tại KCN Cảng biển Hải Hà của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, có số vốn đầu tư 8 triệu USD; dự án khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường Texhong giai đoạn 1 tại KCN Cảng biển Hải Hà, có số vốn gần 30 triệu USD.
Theo ông Soichi Inoue (Công ty TNHH Marubeni Việt Nam) tại hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh (tháng 12/2021) chia sẻ, những nhà đầu tư lớn đã chọn Quảng Ninh đầu tư, thì sức hút mạnh nhất là thái độ của lãnh đạo tỉnh, sự rõ ràng và minh bạch trong chính sách, tốc độ xử lý công việc của các cấp chính quyền, cũng như cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 phải thu hút được 1,3 tỷ USD từ các dự án FDI, từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động kết nối, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có ý tưởng nghiên cứu đầu tư vào địa bàn Quảng Ninh. Trong đó, ưu tiên những dự án FDI có số vốn lớn, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, ít sử dụng tài nguyên và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Được biết, trong quý I Quảng Ninh đã thu hút được trên 210 triệu USD vốn FDI; hỗ trợ các nhà đầu tư FDI phân bổ vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng cải thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, năng lực sản xuất, kinh doanh. Từ đó, kim ngạch XNK của các doanh nghiệp FDI trong những tháng đầu năm đạt 303 triệu USD, thu nộp ngân sách 183 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng khẳng định: Tỉnh quan tâm nhất đó là hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được cấp phép đầu tư vào địa bàn. Do đó, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tỉnh sẽ hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ việc hỗ trợ GPMB, tìm kiếm nguồn lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đến đảm bảo an ninh trật tự, thủ tục XNK, giảm thuế quan. Đến nay, 100% dự án đầu tư vào Quảng Ninh đều có sự tăng trưởng kinh tế tốt, năm sau cao hơn năm trước, đóng góp tích cực cho NSNN và giải quyết công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Có thể bạn quan tâm