Ngỡ ngàng trước sự đổi thay trên miền biển cát trắng Quảng Trị, cảng nước sâu Mỹ Thủy từng ngày mọc lên đồ sộ, cho phép gieo niềm tin về lương lai tươi sáng.
Mặc dù không khí ngày Tết vẫn còn rơi rớt lại ở đâu đó trong tâm thế người lao động, nhưng ở đại công trường cảng nước sâu Mỹ Thủy thuộc xã xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nhịp độ thi công rất khẩn trương.
Tái khởi công vào tháng 3/2024 sau nhiều năm “trùm mềm” vì lý do khách quan và chủ quan; giờ đây một vùng cát trắng mênh mông hoang vu ven biển đã được thổi vào luồng sinh khí mới, mang dáng dấp khu kinh tế công nghiệp hiện đại, biểu tượng cho khát vọng đưa Quảng Trị bứt phá ra biển lớn.
Có mặt trên công trường ngày 8 Tết Nguyên đán, tận thấy hơn 100 công nhân của nhiều nhà thầu: Liên danh FECON - Long Hải, Tổng công ty 319 đã huy động giàn máy móc: cẩu, xúc, đào xới, lu lèn,…hùng hậu và hiện đại, đang kiến tạo mặt bằng cho mười cầu cảng có năng lực vận tải xuyên quốc gia và liên lục địa.
Kỹ sư Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy phó công trường của nhà thầu chính, Liên danh Công ty Cổ phần FECON - Long Hải cho biết “đơn vị huy động hết công suất, làm việc 3 ca liên tục, chạy đua với thời gian để bàn giao bến cảng số 1 vào cuối năm 2025 và bến cảng số 2 vào đầu năm 2026”.
Mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng người lao động đã trở lại công trường sớm hơn thường lệ, vừa thoăn thoắt buộc tide lồng trụ sắt khổng lồ, anh Lê Văn Đông cho hay: “được lãnh đạo công ty động viên, chế độ đãi ngộ ổn định, môi trường lao động an toàn nên chúng tôi rất yên tâm trở lại công việc sớm hơn”.
Chủ đầu tư cảng nước sâu Mỹ Thủy là Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP). Trao đổi nhanh với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng - đại diện Ban quản lý dự án MTIP khẳng định: Chủ đầu tư quyết tâm đưa một phần dự án vào hoạt động từ năm 2027.
Ông Dũng cho hay “sau khi tái khởi công mọi việc suôn sẻ, lãnh đạo địa phương rất quan tâm tạo điều kiện, giữ đúng cam kết ban đầu - tận tâm tận lực hỗ trợ nhà đầu tư, nên chắc chắn dự án sẽ về đích đúng hẹn, trở ngại duy nhất là thời tiết thất thường”.
Dự án có mức đầu tư hơn 14.234 tỷ đồng, quy mô 685 ha, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 - 2025), đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2026 - 2031) đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng; và giai đoạn 3 (2032 - 2036) đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng. Trước mắt sẽ hoàn thành 2 bến như tiến độ cam kết, năng lực 6 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cảng Mỹ Thủy vừa là kết quả vừa là động lực cho khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Trong quá khứ đã từng có băn khoăn: Quảng Trị có thể làm cảng nước sâu được không? Nghi vấn này có cơ sở khi nhìn vào lưu lượng hàng hóa, khả năng sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp.
Mọi thứ nhìn nhau dò xét và không ai dám dấn bước. Nhưng màu than đen tuyền đã mang lại vận đỏ, cơ hội rõ ràng hơn bao giờ hết. MTIP kỳ vọng vào tương lai xuất khẩu than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay, thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây về phía Quảng Trị; mỏ than Kalum ở tỉnh Sekong có trữ lượng khoảng 1 tỷ tấn, sau khi dự án băng chuyền than nối trực tiếp về cảng Mỹ Thủy sẽ tạo ra nguồn hàng - hàng chục triệu tấn mỗi năm.
Cách cảng Mỹ Thủy không xa là khu công nghiệp Quảng Trị do các nhà phát triển hạ tầng công nghiệp tiếng tăm của Nhật Bản, Thái Lan và Singapore đầu tư. Bên cạnh đó là cảng hàng không, cơ chế mới cho kinh tế biên mậu tại Lao Bảo - Densavan,…
Tương lai xa, MTIP đặt ra chiến lược phát triển Mỹ Thủy thành cảng đa dụng tổng hợp trung chuyển khoáng sản, dăm gỗ, sản phẩm công nghiệp - đóng vai trò trung tâm logictics tầm cỡ khu vực.