Quốc tế

Quốc gia đầu tiên nào "sạch bóng" điện than?

Quân Bảo 03/10/2024 03:00

Đầu tuần này, một quốc gia ở châu Âu chính thức trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên từ bỏ điện than, chấm dứt 142 năm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Anh là nơi khai sinh ra điện than. Tuy nhiên, nhà máy điện than cuối cùng của đất nước này tại Ratcliffe-on-Soar đã chấm dứt hoạt động vào thứ Hai tuần vừa rồi. Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 1967, đến nay đã gần 60 năm.

qq.jpg
Nhà máy điện than Ratcliffe-on-Soar đã chấm dứt hoạt động

Đây là cột mốc quan trọng trong tham vọng của Anh nhằm giảm thiểu tác động đối với biến đổi khí hậu. Than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, tạo ra nhiều khí nhà kính nhất khi đốt.

Ông Deben - Bộ trưởng Môi trường tại nhiệm lâu nhất cho biết: “Đây thực sự là một ngày đáng nhớ. Anh đã xây dựng nên cuộc cách mạng công nghiệp dựa vào than nhưng cuối cùng đã chịu từ bỏ nó”.

Lật lại lịch sử, năm 1882 nhà sáng chế Thomas Edison đã xây dựng nhà máy điện chạy bằng than đầu tiên trên thế giới - Holborn Viaduct tại London. Điều này đã mang ánh sáng đến cho các con phố của thủ đô vương quốc Anh.

Từ thời điểm đó đến nửa đầu thế kỷ XX, than đã cung cấp hầu hết điện cho Vương quốc Anh, cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vào đầu những năm 1990, khí đốt bắt đầu thay thế than trong việc cung cấp nguồn điện. Tuy nhiên, than vẫn là thành phần quan trọng của lưới điện Vương quốc Anh trong hai thập kỷ tiếp theo.

Vào năm 2012, than vẫn tạo ra 39% điện năng của Vương quốc Anh.

Sự phát triển của năng lượng tái tạo

Càng về sau, con người càng có ý thức về biến đổi khí hậu và định nghĩa giảm lượng khí thải nhà kính. Là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, than là mục tiêu chính.

Vào năm 2008, Vương quốc Anh đã thiết lập các mục tiêu khí hậu ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên. Năm 2015, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu khi đó là Amber Rudd đã nói với thế giới rằng: Vương quốc Anh sẽ chấm dứt việc sử dụng điện than trong thập kỷ tới.

e.jpg
Anh chính thức trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên từ bỏ điện than

Dave Jones, Giám đốc nhóm nghiên cứu năng lượng độc lập cho biết: Điều này giúp “khởi động” việc chấm dứt than bằng cách cung cấp một hướng đi rõ ràng cho ngành công nghiệp. Điều đó cũng cho thấy sự đi đầu của đất nước Anh và đặt ra chuẩn mực để các quốc gia khác noi theo.

Việc chấm dứt than đồng nghĩa với việc cần tạo ra một năng lượng thay thế khác. Năm 2010, năng lượng tái tạo chỉ tạo ra 7% điện năng của Vương quốc Anh. Đến nửa đầu năm 2024, con số này đã tăng lên hơn 50%. Đây thực sự là một kỷ lục.

Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng xanh đồng nghĩa với việc trong thời gian ngắn năng lượng này có thể hoàn toàn thay thế than. Năm 2017, vương quốc Anh bắt đầu những ngày đầu tiên không sử dụng than. Nhờ sự phát triển của năng lượng tái tạo, Anh đã đạt mục tiêu chấm dứt năng lượng than sớm hơn một năm vào thứ Hai tuần này.

Ông Deben đã phục vụ trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher khi nhiều mỏ than của Vương quốc Anh đóng cửa và hàng nghìn công nhân mất việc làm. Ông cho biết cần phải rút ra bài học từ sự kiện đó cho những công nhân hiện tại trong ngành nhiên liệu hóa thạch.

“Tôi đặc biệt quan tâm đến chính sách của Chính phủ Anh nhằm đảm bảo công việc mới cho những người lao động bị ảnh hưởng. Khu vực dầu mỏ Biển Bắc là nơi chúng ta nên thực hiện thu giữ và lưu trữ carbon. Đó là nơi chúng ta nên đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời”, ông Deben nói.

Những thách thức phía trước

Mặc dù than là nguồn năng lượng gây ô nhiễm rất lớn, nhưng lợi ích của nó là luôn sẵn có - không giống như gió và mặt trời bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết.

Kayte O'Neill, Giám đốc điều hành tại Energy System Operator - cơ quan giám sát hệ thống điện của Vương quốc Anh cho biết: “Để đảm bảo sự ổn định và an toàn của lưới điện, cần phải có rất nhiều cải tiến”.

Một công nghệ quan trọng mang lại sự ổn định mà Kayte O'Neill nói đến là công nghệ pin.

Tiến sĩ Sylwia Walus, Giám đốc chương trình nghiên cứu tại Viện Faraday cho biết ngành khoa học về pin đã có những tiến bộ đáng kể. “Luôn có chỗ cho một công nghệ mới. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển tính bền vững và tiết kiệm chi phí của công nghệ đó”, bà cho biết.

"Để đạt được điều này, Vương quốc Anh cần trở nên độc lập hơn trong việc sản xuất pin của riêng mình, không chỉ lệ thuộc vào Trung Quốc. Cùng với đó, Anh cần đưa những người lao động lành nghề vào công việc sản xuất", bà nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quốc gia đầu tiên nào "sạch bóng" điện than?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO