Với 461/461 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành, tại phiên họp chiều 17/2, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội…
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, việc quy định nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội là xuất phát từ yêu cầu Luật Tổ chức Quốc hội phải phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan theo đúng quy định của Hiến pháp.
Đây là đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nên cần bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ “làm luật và sửa đổi luật” quy định tại khoản 1 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013; thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 nhằm cụ thể hóa yêu cầu về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, xác định rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật, làm cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Dự thảo Luật (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 21 Điều (tăng 04 Điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến) và bãi bỏ 17 Điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.