QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Quốc hội hành động, đổi mới và sáng tạo

NGUYỄN VIỆT 07/10/2021 11:10

Những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời chính là tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động,  luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

 Lao động thất nghiệp do COVID-19 làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Lao động thất nghiệp do COVID-19 làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu và cả hệ thống chính trị đã phải căng mình tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng, đời sống của Nhân dân.

Lắng nghe hơi thở từ cuộc sống

Thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp Thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, những biện pháp cấp bách chỉ áp dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.

Điều đó cho thấy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết, trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của Nhân dân.

Ý thức sâu sắc trước những khó khăn, thách thức rất lớn do đại dịch COVID-19, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội dù là đại biểu tái cử hay lần đầu tham gia Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và khát khao cống hiến, tận dụng tối đa thời gian, làm việc ngoài giờ và làm thêm các ngày nghỉ cuối tuần.

Đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, xác đáng để Quốc hội xem xét, thông qua với sự nhất trí rất cao và ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức và nhân sự, 11 Nghị quyết chuyên đề và 1 Nghị quyết chung về kỳ họp, hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra tại Kỳ họp đầu tiên của khoá mới.

Kỳ họp thứ Nhất vừa đáp ứng kịp thời những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn, góp phần làm nên một kỳ họp thành công trên nhiều phương diện, được Nhân dân và cử tri ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao.

Đơn cử, như việc xây dựng pháp luật, Quốc hội đã chủ động là từ sớm, từ xa. Tránh luật khung, luật ống, cuộc sống không đi vào được trong luật, chính sách, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì làm việc với các Uỷ ban của Quốc hội để xây dựng phương án thẩm tra các dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 từ rất sớm (Luật điện ảnh, sở hữu trí tuệ...).

Ngoài ra, Luật Đất đai tới cuối năm 2022 mới thảo luận nhưng đã được Chủ tịch Quốc hội làm việc trực tiếp với Bộ TNMT về quá trình chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai.... Cuộc họp có sự tham gia của nhiều Chủ nhiệm Uỷ ban, nhiều Bộ trưởng liên quan.

Quyết đáp kịp thời cùng Chính phủ

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã triệu tập 2 phiên họp khẩn của Thường vụ để đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ trong phòng chống dịch.

Đó là vào ngày 24/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đây là lần thứ 2 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ triệu tập Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn để đưa ra những chính sách chưa từng có liên quan đến phòng chống dịch. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.

Cách đó không lâu, Thường vụ đã thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15). Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Ngay sau đó, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người lao động thất nghiệp do COVID-19 được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Còn nhớ cách đây gần 2 tháng, vào chiều 6/8 Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập Ủy ban Thường vụ họp bất thường cho ý kiến 4 quy định ngoài luật trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Cuộc họp diễn ra ngắn gọn và đi thẳng vào những vấn đề cấp bách như thực tiễn đặt ra. Sau 2 tiếng thảo luận, các ủy viên Thường vụ đã đi đến thống nhất với 4 nội dung ngoài luật Chính phủ xin ý kiến.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 để thực hiện nghị quyết số 30 ngày 28/7 của Quốc hội khóa XV với hàng loạt giải pháp cấp bách; các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch.

Như vậy, với Nghị quyết số 393 và Nghị quyết số 03 đã một lần nữa cho thấy phản ứng mau lẹ và hành động khẩn trương, quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Điều đáng nói hơn là, sự khẩn trương, quyết liệt như vậy đã và đang trở thành nếp làm việc thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Lắng nghe cuộc sống, nắm bắt kịp thời những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn và chung sức, đồng lòng với Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, rất nhiều chính sách đặc biệt, đặc thù để xử lý tình huống cấp bách về phòng, chống dịch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gợi mở, chủ động yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, sớm trình các biện pháp tổng thể, dài hơi hơn để chuyển đổi sang trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những Nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời bất kể ngày đêm là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP 14h00 ngày 7/10] Chủ tịch Quốc hội làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân

    09:11, 07/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội làm việc với VCCI: Khích lệ tinh thần cộng đồng doanh nghiệp

    05:00, 07/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới Doanh nhân Việt Nam vào chiều 7/10

    06:00, 06/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Quốc hội hành động, đổi mới và sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO