Tiền lương là nguồn thu nhập chính của NLĐ nên việc khấu trừ lương cần phải theo quy định của pháp luật. Vậy quy định về khấu trừ lương như thế nào?
Bộ luật Lao động 2019 (số 45/2019/QH14) được Quốc hội khóa XIV (Kỳ họp thứ 8) thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Năm 2020, Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được những nội dung thay đổi quan trọng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thời gian qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, do Bộ luật với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, thêm vào đó một số quy định lại chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong triển khai, áp dụng. Với mong muốn góp phần xây dựng NQLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, VCCI trân trọng giới thiệu một số tình huống tập trung vào một số quy định của BLLĐ 2019 và NĐ 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến các doanh nghiệp và độc giả.
Theo Điều 102 BLLĐ 2019 quy định về khấu trừ tiền lương như sau:
“1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân."
Theo khoản 1 Điều 129 BLLĐ 2019 quy định về các trường hợp và mức bồi thường thiệt hại của NLĐ như sau:
“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này."
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cũng cần lưu ý phân biệt quy định về khấu trừ tiền lương theo Điều 102 BLLĐ 2019 với việc NSDLĐ trích nộp một số khoản tiền từ lương của NLĐ theo quy định pháp luật như: trích nộp BHXH, thuế TNCN, … (các trường hợp trích nộp này không vi phạm quy định tại Điều 102 BLLĐ 2019).
Ví dụ về khấu trừ tiền lương
Chị C là công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty D đặt tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, mức lương là 6.000.000 đồng/tháng. Tháng 10/2022, chị C sơ suất làm hỏng máy may công nghiệp của Công ty trị giá 20.000.000 đồng.
Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là địa bàn thuộc vùng I nên mức lương tối thiểu là 4.680.000 đồng. Giá trị máy may chị C làm hư hỏng chưa vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng nên chị C phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương (tức là chỉ phải bồi thường 18.000.000 đồng) và bị khấu trừ hàng tháng không quá 30% tiền lương thực trả sau khi đã trích nộp bảo hiểm bắt buộc và thuế TNCN (nếu có).
Thu nhập của chị C chưa đến mức chịu thuế TNCN nên hằng tháng chỉ phải trích nộp 10,5% bảo hiểm bắt buộc.
Như vậy, số tiền tối đa Công ty D được khấu trừ từ lương hàng tháng của chị C để bồi thường thiệt hại là: 30% * (6.000.000 – 10,5%*6.000.000) = 1.611.000 đồng
Còn nữa...