Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch (Bài 1): Doanh nghiệp mong đợi gì về Dự thảo kinh phí cho Quỹ?

DIỄM NGỌC 26/05/2021 15:00

Các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho các công tác về nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch...

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập theo Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc vận hành Quỹ còn gặp nhiều khó khăn, không mấy tổ chức, cá nhân nào sẵn lòng tài trợ, đóng góp cho một Quỹ hoàn toàn do Nhà nước quản lý. Chưa kể, nếu quá trình hoạt động của Quỹ không chuyên nghiệp, không đảm bảo tính minh bạch thì việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp càng không dễ dàng.

Các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho các công tác về nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch

Các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho các công tác về nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch

Bước đầu "hình dung" ngân sách cho Quỹ

Đến nay, để có những quy định rõ ràng trong công tác vận hành quỹ và hỗ trợ tối ưu cho các hoạt động quảng bá du lịch, Bộ Tài chính đã hoàn tất Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.

Theo đó, kinh phí cấp cho Quỹ hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch do ngân sách Trung ương bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi các hoạt động kinh tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mức kinh phí ngân sách nhà nước bố trí dự toán cho Quỹ hằng năm bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách từ nguồn thu phí thăm quan khu du lịch, điểm du lịch của năm trước liền kề năm hiện hành (theo số liệu do Kho bạc Nhà nước cung cấp).

Dự thảo Thông tư cũng quy định hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch như: Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về phát triển thị trường và sản phẩm du lịch ở trong nước; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và phát triển du lịch; Hỗ trợ tổ chức điều tra, thu thập thông tin về du lịch nội địa và quốc tế, gồm thị trường, sản phẩm du lịch, khách du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp du lịch; Hỗ trợ thống kê du lịch, triển khai áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch phục vụ thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; Hỗ trợ xây dựng, in ấn tài liệu phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.

Cụ thể, Quỹ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với hoạt động do cơ quan ở Trung ương chủ trì. Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí đối với hoạt động do cơ quan ở địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì. Và hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với hoạt động do doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành, tổ chức khác về du lịch chủ trì.

Kết thúc năm ngân sách, quỹ có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán chi ngân sách thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xét duyệt, tổng hợp vào báo cáo quyết toán năm của Bộ theo quy định về quyết toán ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, một số có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay, ngành du lịch nội địa cũng còn gặp nhiều khó khăn, thì việc thu hút khách quốc tế có thể sẽ nằm ở tương lai xa. Chính vì vậy, nguồn thu từ phí cấp thị thực và phí tham quan các địa điểm du lịch sẽ kém khả quan. Đồng thời việc hỗ trợ quảng bá du lịch thời điểm này cũng không thực sự thiết thực bằng việc hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp hoạt động về du lịch vượt qua khó khăn.

Cần thêm chính sách thu sách thu hút đầu tư vào du lịch

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lê Thị Thương, đại diện công ty Cổ phần Đào tạo và phát triển du lịch Việt Nam cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được triển khai là một tin tốt đối với ngành du lịch nói chung. Song ở giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ thể hiện vai trò quyết liệt hơn trong việc thu hút đầu tư vào du lịch như:

Thứ nhất, ban hành khung khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư vào kinh doanh du lịch. Trong đó có các quy định hướng dẫn các nhà đầu tư vào du lịch, các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà đầu tư vào du lịch, về thuế, quỹ đất và tiếp cận vốn,...

Thứ hai là lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết và kế hoạch phát triển du lịch theo các bản quy hoạch đó.  

Thứ ba là sau khi xác định các khu vực theo quy hoạch phù hợp với các dự án phát triển du lịch, các cơ quan của Chính phủ thực hiện điều chỉnh và kiểm soát sự phát triển của các khu vực đó thông qua quy hoạch chi tiết và quy hoạch tổng thể.

Thứ tư là trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ thực hiện đầu tư công trực tiếp vào kết cấu hạ tầng các khu vực phát triển du lịch, còn chủ yếu là Chính phủ đóng vai trò của một cơ quan hướng dẫn, quản lý và kiểm soát đầu tư phát triển du lịch.

Thứ năm là Chính phủ quy định rõ chính sách về đất đai đối với đầu tư kinh doanh du lịch. Đất mà chính phủ dự kiến phát triển du lịch được bán cho các nhà đầu tư kinh doanh du lịch hoặc được cấp bằng hợp đồng nhượng quyền dài hạn sau khi hết hạn hợp đồng, tất cả cơ sở vật chất đã đầu tư đó trở thành tài sản của Chính phủ.

Đối với huy động vốn đầu tư trong nước, cần huy động vốn Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, khách sạn cao cấp, những công trình du lịch trọng điểm; Phát hành cổ phiếu, trái phiếu đầu tư phát triển du lịch; Cổ phần hóa doanh nghiệp du lịch nhà nước; Huy động vốn trong dân đầu tư phát triển du lịch. Việc sử dụng và vận hành Quỹ đạt được tối đa lợi ích giúp doanh nghiệp trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp đang “hấp hối” như hiện nay là vô cùng cấp thiết”, bà Thương bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động không vì lợi nhuận

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động không vì lợi nhuận

    20:12, 01/04/2021

  • ADB đang xem xét khởi động Gói quỹ hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu USD cho miền Trung

    ADB đang xem xét khởi động Gói quỹ hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu USD cho miền Trung

    15:50, 27/10/2020

  • Thủ tướng đã phê duyệt 115.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ lần hai

    Thủ tướng đã phê duyệt 115.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ lần hai

    11:00, 06/05/2021

  • Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

    Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

    04:20, 06/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch (Bài 1): Doanh nghiệp mong đợi gì về Dự thảo kinh phí cho Quỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO