Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng được cho sẽ trở thành luồng sinh khí mới tạo bứt phá mạnh mẽ cho thị trường bất động sản TP Cảng.
>>>Hải Phòng: “Phản ứng nhanh” về thuế
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 30/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Mở đường cho thị trường bất động sản
Với mục tiêu trọng tâm, phát triển TP Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, cửa ngõ hướng ra biển Đông trên vịnh Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Đồng thời, phát triển thành phố Hải Phòng theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc không gian: Hai vành đai, Ba hành lang, Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Theo ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quyết định số 323/QĐ-TTg không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển TP Hải Phòng, tạo động lực, cơ hội cho Hải Phòng khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cũng theo ông Văn, cùng với việc hình thành các khu, CCN trên địa bàn, quy hoạch chung TP Hải Phòng cũng đã xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các CCN trên địa bàn thành phố với quy mô khoảng trên 400ha. Đây là một đòn bẩy trong lĩnh vực phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn.
Đặc biệt, theo Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ có thêm thành phố Thủy Nguyên. Các đô thị cảng biển, đô thị sân bay, tương lai Hải Phòng sẽ đón nhận nhiều dự án quy mô lớn, hứa hẹn sẽ kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ về địa phương này.
“Hải Phòng đang khẳng định nỗ lực của mình trong việc tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho người lao động Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Cùng với các điều kiện thuận lợi khác, thị trường bất động sản Hải Phòng sẽ bứt phá, phát triển sôi động và lành mạnh trong tương lai”, ông Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Còn TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: “Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã mở mở đường để Hải Phòng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, quy hoạch. Hải Phòng phải là một đô thị nhân văn; kết hợp cả yếu tố hiện đại với tính nhân văn – trong đó nhân văn phải đóng vị trí trung tâm. Đây là mô hình, điểm nhấn quan trọng mà chúng ta có thể thúc đẩy. Trong tương lai, bất động sản, xây dựng, du lịch…chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, các hoạt động, giao dịch của thị trường BĐS cả nước rất chậm, dù Chính phủ đã nghiên cứu nhiều giải pháp tháo gỡ thúc đẩy. Tuy nhiên, thị trường bất động sản ở Hải Phòng trong 1-2 tháng gần đây có nhiều dòng vốn đổ về. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ có gần 6.000 sản phẩm bất động sản giao dịch, nhưng riêng Hải Phòng có khoảng 500 sản phẩm giao dịch.
Cần minh bạch thông tin quy hoạch
Theo quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này sẽ có thêm thành phố và loạt đô thị cảng biển. Cùng với thông tin quy hoạch, Hải Phòng cũng đang chuẩn bị đón nhận nhiều dự án quy mô lớn với vốn đầu tư hàng tỷ đô, hứa hẹn sẽ kéo theo hàng loạt làn sóng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Để hiện thực hóa quy hoạch TP Hải Phòng, bứt phá thị trường bất động sản, theo ông Nguyễn Tường Văn, TP Hải Phòng cần đổi mới cách quản lý và tiếp cận quy hoạch đô thị bằng công nghệ số, đảm bảo các thông tin đồng bộ, chính xác và thuận lợi; quản lý quy hoạch theo mục tiêu phát triển bền vững, với chiến lược dài hạn và đặc biệt có giải pháp phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, phù hợp với nguồn lực hiện có và đảm bảo tính khả thi.
Đồng thời, tiếp tục khẩn trương xây dựng, hoàn thiện công cụ pháp lý đó là các quy hoạch cấp dưới sau quy hoạch chung; tập trung nguồn lực để cụ thể hóa các quy hoạch ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đô thị, công nghiệp và hạ tầng du lịch. Ngoài ra, Hải Phòng cần chủ động đề xuất chính sách thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án phù hợp với các định hướng quy hoạch của thành phố và quốc gia; đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động để sớm hiện thực hóa quy hoạch.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, TP Hải Phòng cần có kế hoạch thực thi đầu tư theo quy hoạch, theo từng giai đoạn. Đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thủ tục đầu tư cho dự án để hỗ trợ doanh nghiệp; có chính sách quản lý hoạt động và đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản.
Cũng theo ông Đính, TP Hải Phòng cần minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch cũng như chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố. Ngoài ra, để phát triển bền vững, địa phương này cũng cần kiểm soát giá bất động sản, đất đai, tránh tạo cơn sốt, tạo bong bóng bất động sản.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đã tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để TP Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để đưa Hải Phòng phát triển xứng tầm khu vực và cả nước.
Cũng theo ông Thọ, trong thời gian tới, Hải Phòng khẩn trương hoàn thành, trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện Quyết định số 323 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, rà soát, lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; triển khai điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy hoạch nông thôn; lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Phòng; tổ chức lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Cát Bà, đô thị Thủy Nguyên, chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch cấp dưới theo quy định; tập trung tối đa nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố có liên quan đến công tác quy hoạch, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, địa phương sẽ có các giải pháp thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực đầu tư như công nghiệp, cảng biển, giao thông...
Có thể bạn quan tâm