Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ mở ra không gian phát triển mới

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG 04/01/2024 11:52

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”.

>>> Kinh tế Thái Bình 2023: Thấy gì từ con số tăng trưởng?

Bản đồ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình

Bản đồ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình

Tiếp tục “lấn biển”

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, đối với nội dung phạm vi, ranh giới, Quy hoạch tỉnh Thái Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Thái Bình và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng... Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2030 sẽ vươn lên nhóm phát triển khá và đến năm 2050 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo các chuyên gia, Thái Bình là một tỉnh "đất chật, người đông", quy mô diện tích khá nhỏ, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tuy nhiên, về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63, chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Vì vậy, việc mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động "lấn biển" là giải pháp mang tính chiến lược, là xu thế tất yếu để tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh sẵn có vươn lên bứt phá.

Theo phân tích, Thái Bình nằm trong hành lang kinh tế phía đông, mặt tiền hướng ra biển của vùng Đồng bằng sông Hồng, với chuỗi liên kết các hoạt động kinh tế gắn biển như: công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ vận tải biển, du lịch, thủy sản, khai thác tài nguyên biển... Là tỉnh đi sau, chịu tác động lan tỏa của các trung tâm kinh tế biển mạnh là Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng với quá trình tăng cường nâng cấp hạ tầng kết nối ven biển, Thái Bình có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.

Như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói (tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tháng 4/2022): Thái Bình vốn được biết đến là vùng “quê lúa, đất nghề,” là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội như gần với các trung tâm kinh tế lớn, nằm trong khu kinh tế động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); có nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ. Do đó, tỉnh phải nhận thức rõ và tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh này để phát triển; với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đi lên từ nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển; phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển.

>> Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản

>> Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới

Hiện tại, tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.

Dự kiến, trong thời kỳ quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, yêu cầu Thái Bình cần nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển ra hướng biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, yêu cầu Thái Bình cần nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển ra hướng biển.

Chú trọng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá của tỉnh như: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp...

Ngoài ra, tỉnh tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình; Ổn định vận hành có hiệu quả 2 Nhà máy nhiệt điện hiện có, song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than.

Cầu Trà Lý 2 bắc qua sông Trà Lý nối 2 huyện ven biển Thái Thụy - Tiền Hải nằm trên tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Cầu Trà Lý 2 bắc qua sông Trà Lý nối 2 huyện ven biển Thái Thụy - Tiền Hải nằm trên tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Đối với phương án phát triển mạng lưới giao thông, theo quy hoạch Thái Bình, trên địa bàn tỉnh hình thành 3 tuyến cao tốc, gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình - Khu đô thị Trà Giang - thành phố Thái Bình với tuyến Vành đai 5 - Hà Nội và vùng kinh tế phía Nam Thủ đô.

Các tuyến Quốc lộ: 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hệ thống 5 tuyến tỉnh lộ quan trọng, xác định là trục động lực phát triển, kết nối thành phố Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh (ĐT.467; ĐT.468; ĐT.454; ĐT.469; ĐT.464); 9 tuyến quy hoạch mới phục vụ kết nối nội tỉnh và 15 tuyến nâng cấp, cải tạo.

Tỉnh Thái Bình từng bước triển khai đầu tư, xây dựng một số cảng quan trọng trên sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa. Bổ sung công năng các cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp. Từng bước đầu tư xây dựng Cảng biển Thái Bình theo Quy hoạch tổng thể. Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và đơn vị liên quan triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình.

Sau năm 2030, tỉnh sẽ đề xuất hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình...

Với phương châm “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp”, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng từ 3 đến 5 bậc, đến năm 2025 đứng trong nhóm từ thứ 15 đến thứ 20 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước. Với nhiều giải pháp quyết liệt, Thái Bình đang dần trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước những năm gần đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

    Quy hoạch tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

    01:42, 21/12/2023

  • Bến Tre công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    Bến Tre công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    13:12, 05/12/2023

  • Ninh Thuận: Quy hoạch tỉnh để khai thác tiềm năng địa phương

    Ninh Thuận: Quy hoạch tỉnh để khai thác tiềm năng địa phương

    17:35, 11/11/2023

  • Thái Nguyên: Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh

    Thái Nguyên: Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh

    09:51, 15/10/2023

  • Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đạt giải Bạc - Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023

    Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đạt giải Bạc - Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023

    22:44, 13/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ mở ra không gian phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO