Nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận khởi sắc còn hơn cả năm 2020...
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, HoSE: KLB) cho biết lợi nhuận mới công bố tăng đột biến là do trong quý 1 ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Thông tin được bà Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết.
Được biết, số cổ phiếu STB đảm bảo cho khoản vay tại Kienlongbank lên tới 176,4 triệu cổ phiếu. Dư nợ có khả năng mất vốn liên quan đến khoản vay này là gần 1.900 tỉ đồng. Đây là khoản nợ tồn đọng đã nhiều năm và năm nào Kienlongbank cũng phải trích lập dự phòng khiến lợi nhuận còn lại rất thấp. Trước đó, trong quý 4/2020, Kienlongbank đã bán được một phần số cổ phiếu STB nói trên, khoản nợ xấu liên quan cũng giảm khoảng 354 tỉ đồng, từ đó ngân hàng ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng và thoát lỗ trong quý cuối cùng của năm 2020. Số cổ phiếu còn lại đã được Kienlongbank tăng cường bán ra nhằm thu hồi nợ và đến nay đã hoàn tất bán hơn 176 triệu cổ phiếu trên. Theo đó, hạch toán khoản thu hồi vào quý I năm nay đã đưa lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2021 của Kienlongbank đạt 702,62 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại báo cáo tài chính quý I/2021 mà Kienlongbank vừa công bố, ngân hàng đạt tổng tài sản hợp nhất đạt 61.942 tỷ đồng (tăng 8,14% so với năm 2020); tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng (tăng 7,42% so với năm 2020); tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng (tăng 2,97% so với năm 2020). Đáng chú ý tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%.
Một yếu tố “ngoài lề” liên quan đến các chỉ tiêu kinh doanh với kết quả đạt được khả quan ngay từ những tháng đầu năm sau khi được “thay máu” các vị trí Lãnh đạo của Kienlongbank, dường như dấu ấn cổ đông lớn ở thời kỳ mới tại Kienlongbank đã bắt đầu hiển thị rất rõ với việc ngân hàng này cũng đồng thời công bố chính thức về việc dự kiến bổ sung thêm tên viết tắt bằng tiếng Anh của Ngân hàng thành Kienlongbank và/hoặc KSBank, được lựa chọn từ các chữ của tên viết tắt bằng tiếng nước ngoài hiện tại. Dự kiến nội dung bổ sung tên tiếng Anh cùng các kế hoạch kinh doanh lạc quan sẽ được Kienlongbank trình bày tại đại hội đồng cổ đông 2021 (ĐHĐCĐ) ngày 29/4 tới.
Ở một trường hợp khác cũng đã hoàn nhập dự phòng tích cực từ thanh lý cổ phiếu STB thu hồi nợ, đó là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (HoSE: EIB). Theo đó, từ giữa năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Eximbank xử lý gần 75 triệu cổ phiếu Sacombank (STB) mà 7 khách hàng đã thế chấp để thu hồi 746 tỉ đồng nợ vay.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của Eximbank, tại cuối 2020, ngân hàng còn một phần trái phiếu VAMC chưa thanh toán hết và phải trích lập dự phòng cho khoản này. Thuyết minh của khoản này thể hiện trích lập dự phòng bao gồm các khoản vay của nhóm 7 công ty trên và việc thanh toán được trái phiếu VMAC sẽ hoàn nhập theo phần dự phòng cụ thể của một khoản vay do hủy trái phiếu VAMC tương ứng với khoản vay này.
Cập nhật tới 31/1/2021, trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, Eximbank thể hiện đã hoàn tất thanh toán trái phiếu VAMC và đề xuất chia cổ tức. Như vậy có thể đồng nghĩa, ngân hàng đã mua lại được các khoản vay với tài sản thế chấp để xử lý.
Lực bán cổ phiếu thế chấp khoản vay nhằm thu hồi nợ từ Kienlongbank, có lẽ gồm từ cả Eximbank lẫn một vài nhóm tổ chức khác, đã giúp STB liên tục đứng đầu trong bảng cổ phiếu có khối lượng giao dịch khủng. Riêng tuần 11/4, STB đã có lượng giao dịch lên tới hàng trăm triệu cổ phiếu. Nói cách khác là sau một thời gian “trầy vi tróc vảy” vì cổ phiếu thế chấp giảm giá, khi nhóm cổ phiếu vua hồi cung, lấy lại ngai vương về sức bền tăng giá, đã giúp chính các ngân hàng có tài sản thế chấp bảo đảm là cổ phiếu ngân hàng thu hồi nợ trị giá lớn, góp hồng thêm lợi nhuận quý đầu năm.
Nhiều ngân hàng khác, trong báo cáo thông tin kinh doanh quý 1, cũng phản ánh rằng thu hồi nợ đang giúp tăng thu nhập. VPBank, trong công bố thông tin quý 1, nêu việc linh hoạt và đa dạng doanh thu hiệu quả đã giúp VPBank vượt tăng trưởng quý trong năm. VPBank cũng cho biết đến cuối quý 1/2021, tỷ lệ nợ xấu (phân loại theo Thông tư 02) tại ngân hàng hợp nhất được quản lý ở mức 3%. Tại ngân hàng riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì xu hướng giảm, xuống mức 1,79% so với mức 1,98% cuối năm 2020. Đáng chú ý, thu nhập từ nợ đã xử lý cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng trưởng là 56% tại ngân hàng hợp nhất với số tuyệt đối tương đương 705 tỷ đồng, đặc biệt tại FE Credit thu nhập này tăng gần 110%...
Như vậy, tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán và đặc biệt là sự phục hồi của nền kinh tế, đang giúp quá trình xử lý nợ của các ngân hàng ngày càng trở nên tích cực hơn. Điều này cũng hứa hẹn rằng các NHTM, với hướng dẫn kéo giãn xử lý nợ theo Thông tư 03/2021 của NHNN trong lộ trình 3 năm, sẽ có “dư dả” thời gian để lựa chọn thời điểm, phương thức xử lý thu hồi nợ hiệu quả nhất. Các ngân hàng sẽ vừa trực tiếp tự giảm bớt áp lực nợ, giảm trích lập dự phòng, tăng hoàn nhập và gia tăng lợi nhuận, cũng vừa có nguồn lực tài chính tốt hơn để đáp ứng các nhu cầu vốn trong kinh doanh những quý tới. Theo đó, ngân hàng nào đã có trích lập dự phòng rủi ro cao, nợ có tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay “chất”, sẽ còn có nhiều cơ hội tích cực từ "của để dành".
Có thể bạn quan tâm
Tại VAMC còn tồn hơn 91.000 tỷ đồng nợ xấu
09:26, 19/03/2021
Toàn cảnh ngân hàng 2020 (Kỳ 6): COVID-19 là liều "stress test" nợ xấu, chất lượng tài sản nhà băng
11:00, 16/02/2021
Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm 369 tỷ đồng nợ xấu
17:53, 30/01/2021
Nợ xấu ngân hàng 2021: Đến thời điểm chuyển nhóm nợ để đánh giá thực chất hơn
06:30, 25/01/2021