Theo Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cần lập Ủy ban Năng suất Quốc gia trong quý IV/2019 với mục tiêu thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động.
Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia đang được lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh, đó là cần thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia trong quý IV/2019 với mục tiêu thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động (NSLĐ).
Ủy ban này sau khi thành lập sẽ chịu trách nhiệm xây dựng Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Ủy ban cũng sẽ chịu trách nhiệm chọn một tháng trong năm là “Tháng Năng suất Quốc gia”.
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, NSLĐ quốc gia là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Do đó, cần “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm chuyên sâu về vấn đề này.
“Ủy ban Năng suất Quốc gia, thường xuyên chỉ đạo vấn đề năng suất. Uỷ ban này sẽ có đội ngũ chuyên trách dưới sự lãnh đạo của lãnh đạo Chính phủ cấp cao chỉ đạo phối hợp tất cả các ban ngành địa phương. Trước hết xây dựng Chương trình năng suất lao động quốc gia, trong đó nghiên cứu kỹ ngành nào, lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm thúc đẩy tăng năng suất. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã thực hiện việc thành lập Uỷ ban này”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Đặc biệt, Dự thảo Chỉ thị cũng đề xuất, chọn một số địa phương, một số lĩnh vực thí điểm thực hiện chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất: “Chọn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… và một số địa phương có lợi thế và tiềm năng thực hiện thí điểm tăng năng suất, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm
07:12, 19/08/2019
05:00, 11/08/2019
16:36, 07/08/2019
11:48, 07/08/2019
09:30, 07/08/2019
Bên cạnh giải pháp về thể chế chính sách cho nâng cao năng suất, nhóm giải pháp cho khu vực doanh nghiệp cũng được đặc biệt lưu ý. Theo đó, nâng cao NSLĐ khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế.
“Các doanh nghiệp cần tập trung vào một số giải như xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao”, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Đồng thời, đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh việc ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao NSLĐ thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Trên thực tế, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.
Trong khi đó, phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng cho thấy, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất.
“Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... đang tiến dần đến trần giới hạn. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”, GS. TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng với đó, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm.