Kinh tế thế giới

Quy tắc bán hàng đầu tiên - "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp Mỹ

Cẩm Anh 28/05/2025 11:06

Trước làn sóng thuế quan mới của chính quyền Trump, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách giảm chi phí nhập khẩu.

Ảnh màn hình 2025-05-27 lúc 20.35.04
Hàng hóa tại cảng Thanh Đảo ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images/CNBC

Các doanh nghiệp đang tìm cách để giảm thiểu tác động lớn nhất từ thuế quan bằng cách sử dụng một quy định pháp lý có từ hàng chục năm trước, gọi là “quy tắc giao dịch đầu tiên”.

Theo Luật Hải quan Mỹ, quy tắc giao dịch đầu tiên cho phép các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sử dụng mức giá của lần giao dịch đầu tiên trong chuỗi giao dịch để tính thuế nhập khẩu.

Ví dụ, một nhà sản xuất Trung Quốc bán áo thun cho một nhà phân phối ở Hồng Kông với giá 5 USD/chiếc. Sau đó, nhà phân phối này bán lại áo cho một nhà bán lẻ Mỹ với giá 10 USD/chiếc. Cuối cùng, nhà bán lẻ Mỹ bán chiếc áo cho người tiêu dùng với giá 40 USD/chiếc. Theo quy tắc giao dịch đầu tiên, nhà bán lẻ Mỹ có thể chỉ phải đóng thuế nhập khẩu dựa trên mức giá 5 USD ban đầu, nhờ đó loại bỏ chi phí phát sinh từ khâu trung gian.

“Quy tắc này cho phép sử dụng mức giá bán ban đầu từ nhà máy đến nhà phân phối để xác định mức thuế nhập khẩu cuối cùng,” Brian Gleicher, luật sư cao cấp tại hãng luật Miller & Chevalier Chartered, chia sẻ với CNBC.

Theo các chuyên gia, quy tắc giao dịch đầu tiên đã tồn tại từ năm 1988, nhưng bắt đầu thu hút sự chú ý trở lại dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump và nay là trong đợt áp thuế mới nhất của ông.

Ông Sid Paruthi, chuyên gia tại công ty tư vấn Moss Adams của Mỹ cho biết: “Trong nhiệm kỳ I, chính quyền Trump áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc, chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều cuộc gọi hỏi về quy tắc này. Nay với đợt áp thuế mới, quy tắc giao dịch đầu tiên lại được nhắc đến nhiều hơn".

Để áp dụng quy tắc này, doanh nghiệp cần đáp ứng một số tiêu chí như phải có ít nhất hai lần giao dịch từ nhà sản xuất nước ngoài và ít nhất một từ một bên trung gian. Các giao dịch này phải được thực hiện giữa các bên độc lập, không có liên hệ lợi ích nào với nhau.

Bên cạnh đó, cần có bằng chứng rõ ràng cho thấy hàng hóa được định sẵn là nhập vào thị trường Mỹ và phải có tài liệu chứng minh mức giá trong lần bán đầu tiên.

Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp, ông Paruthi lưu ý điều này không dễ thực hiện. Bởi vì, mức thuế nhập khẩu mặc định được tính dựa trên giá nhập khẩu cuối cùng, do đó trách nhiệm chứng minh mức giá ban đầu thuộc về nhà nhập khẩu. Điều này có thể khó vì nhà phân phối trung gian không phải lúc nào cũng muốn tiết lộ thông tin đó.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á trong tháng 4 đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh Getty Images)
Các doanh nghiệp Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm cách thức để giảm tác động do thuế quan mới mang lại. Ảnh minh hoạ: Getty Images

“Nếu bạn là nhà nhập khẩu, bạn cần có mức giá giao dịch đầu tiên. Bạn cần có dữ liệu. Nhưng nhà cung cấp có thể không muốn tiết lộ thông tin đó", ông Paruthi nói.

Trong khi đó, ông Rich Taylor, Cố vấn phát triển doanh nghiệp đặt tại thành phố cảng Ninh Ba (Trung Quốc) lưu ý rằng phải có mức độ tin tưởng nhất định giữa các bên do liên quan đến nhiều rủi ro.

Mặc dù vậy, những rắc rối phát sinh có thể ở mức chấp nhận được nếu giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể. “Nếu không dùng quy tắc này, chi phí cuối cùng sẽ tăng lên. Và nếu đối thủ của bạn đang dùng nó, thì bạn sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh", ông Taylor nhận định.

Mặc dù quy tắc giao dịch đầu tiên có thể áp dụng rộng rãi với nhiều loại sản phẩm và ngành hàng, nhưng nó đặc biệt hữu ích đối với các mặt hàng tiêu dùng cao cấp và sản phẩm xa xỉ, nơi có biên lợi nhuận cao hơn.

Tháng trước, thương hiệu thời trang cao cấp của Italia - Moncler đã nêu rõ quy tắc này mang lại lợi ích đáng kể cho cấu trúc chi phí của họ.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Kuros Biosciences có trụ sở tại Thụy Sĩ cũng cho biết rằng họ đang điều chỉnh hoạt động để có thể áp dụng quy tắc này.

“Chúng tôi sẽ chuyển phần hoạt động bán sỉ về Zurich, nghĩa là chúng tôi có thể áp dụng phương pháp giao dịch đầu tiên,” Daniel Geiger, Giám đốc tài chính của Kuros cho biết.

Một số doanh nghiệp khác như nhà sản xuất bếp nướng Traeger và công ty sản xuất Fictiv của Mỹ đều đề cập đến việc sử dụng quy tắc giao dịch đầu tiên như một biện pháp giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí thuế nhập khẩu.

Việc sử dụng quy tắc giao dịch đầu tiên có thể làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Trump trong việc tăng thu thuế và thúc đẩy xu hướng đưa sản xuất trở lại trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy tắc bán hàng đầu tiên - "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO