Quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại tại TP HCM: Bao giờ mới thoát “vòng luẩn quẩn”

MAI AN 07/05/2021 16:25

UBND TP HCM vừa chỉ đạo các Sở, ngành xem xét thống nhất các nội dung trình hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố theo 3 bước.

Quy trình này được đánh giá sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở, giúp làm tăng nguồn cung dự án.

Thủ tục làm khó doanh nghiệp

Trên thực tế, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP HCM đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm nghẽn nguồn cung nhà ở tại đây. Theo phản ánh của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), thực trạng thời gian thực hiện thủ tục dự án thường kéo dài từ trên dưới 3 năm trước đây, có dự án mất nhiều thời gian hơn nữa là khúc mắc khiến ách tắc nguồn cung nhà ở trong thời gian qua.

Đại diện một trong những doanh nghiệp đầu tư hàng loạt dự án tại TP HCM, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, từ trước đến nay không có quy trình để thực hiện đầu tư dự án. Đến lúc TP ban hành quy trình nhưng vẫn không giải quyết được sự chồng chéo và tắc nghẽn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị mắc kẹt.

Dự án KĐT Phú Mỹ Hưng phải mất 15 năm mới có thể hoàn thành thủ tục pháp lý.

Ông Dũng cho biết, doanh nghiệp sợ nhất là khi thực hiện theo quy trình, bước 1, 2, 3 đã thực hiện xong, đến bước 4 bị kẹt rồi lại trở lại bước 1. Bởi vòng đời để đưa 1 dự án vào triển khai phải mất khoảng 4 - 5 năm. Trường hợp pháp lý của dự án đã cơ bản hoàn thành cũng phải mất ít nhất 1 năm mới triển khai bán hàng được.

“Không những vậy, đến bước cuối cùng cấp sổ hồng cho người dân, dù doanh nghiệp đã hoàn thành hết thủ tục, kể cả nghĩa vụ tài chính, nhưng chỉ cần có một chút điều chỉnh về công năng (vẫn đủ điều kiện cấp sổ hồng) thì quá trình ra sổ rất khó khăn. Đi tới đâu cũng bị hỏi là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa” – ông Dũng lấy ví dụ.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp từng đầu tư dự án khu đô thị lên tới 200ha tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, Đại Phúc Land đã phải mất 15 năm rất vất vả triển khai thủ tục hành chính khi thực hiện KĐT Phú Mỹ Hưng.

Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp cần điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường, nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu.

Thậm chí, như trường hợp của CTCP Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) tại dự án chung cư Gateway Thảo Điền, dù dự án đã thi công xong, người dân vào ở nhưng số tiền sử dụng đất của dự án vẫn chưa được tính xong. Dẫn đến dự án chưa thể được cấp sổ hồng.

Kỳ vọng một quy trình không chồng chéo

Theo HoREA, một trong những điểm nghẽ nữa của thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đó là nội dung Khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị đã xung đột với chính Khoản 4 Điều 30 cũng của luật này đã quy định đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là cơ sở để cấp Giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư.

Chung cư Gateway Thảo Điền đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng vì vướng mắc trong cách tính tiền sử dụng đất.

Trong khi đó, có dự án mới được công nhận “chủ đầu tư” mà Khoản (2.b) Điều 171 Luật Nhà ở, quy định “Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở”, bắt buộc phải có “bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, có nghĩa là “bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án”, phải có trước khi lập thủ tục“Quyết định chủ trương đầu tư”.

Bởi các chồng chéo cũng như trên, thủ tục đầu tư xây dựng đã khiến nguồn cung nhà ở tại TP HCM sụt giảm nghiêm trọng, giá nhà bị đẩy lên cao.

Chia sẻ về thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhiều doanh nghiệp địa ốc TP HCM cũng cho biết khi Nghị định 148, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu tư 2020,…chính thức được áp dụng, doanh nghiệp đã bắt đầu liên hệ với các chuyên gia, luật sư tham khảo ý kiến trong các vấn đề chuyên môn nhằm chuẩn bị cho việc xúc tiến những thủ tục cần thiết để hoàn thiện pháp lý, đưa các dự án hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, câu trả lời mà doanh nghiệp này nhận được từ Sở TN&MT TP HCM đó là không phải toàn bộ các dự án đang bị ách tắc vì vướng đất công hiện nay đều đáp ứng được các tiêu chí do Nghị định 148 đề ra để được giao và quan trọng hơn cả, là các sở, ngành cũng đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.

Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có quy trình cụ thể, khơi thông nguồn cung và góp phần giữ giá nhà không vượt quá cao. Để các khâu thực hiện cần được quy định rõ ràng, tránh chồng chéo khiến doanh nghiệp phải làm đi làm lại nhiều lần.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Hàng ngàn dự án nhà ở thương mại bị ách tắc sắp được

    TP HCM: Hàng ngàn dự án nhà ở thương mại bị ách tắc sắp được "cứu"

    15:00, 05/05/2021

  • Bộ Xây dựng: Quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP là phù hợp

    Bộ Xây dựng: Quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP là phù hợp

    13:00, 29/04/2021

  • Gỡ vướng thủ tục đầu tư bất động sản

    Gỡ vướng thủ tục đầu tư bất động sản

    14:00, 27/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại tại TP HCM: Bao giờ mới thoát “vòng luẩn quẩn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO