Trong mọi vấn đề, khi phó thác quyền quyết định cho sự may rủi ngẫu nhiên cũng là lúc bế tắc nhất. Đường đến trường của các cháu xin đừng rủi, may!
>>Ngành giáo dục lại “đau”?
Trường mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) được giao 559 chỉ tiêu cho năm học mới nhưng có đến 939 hồ sơ nộp vào, giữ ai và loại ai khi bậc mầm non chưa có dữ liệu học tập của các cháu để căn cứ xét tuyển. Vậy là ngành giáo dục địa phương lóe ra sáng kiến an toàn nhất: Bốc thăm - như “mở nắp Tiger trúng LandCruiser” đình đám một thuở trên truyền hình.
Tại sao việc học trường công hay trường tư đối với hàng trăm trẻ em mầm non ở Hoàng Mai - một quận của thủ đô Hà Nội được phó thác cho lá thăm may rủi? Phải chăng, nan đề này không thể giải quyết bằng sự anh minh của cơ chế giáo dục - và người ta phải viện đến một trong những cách thức giải quyết tranh chấp có từ thời cổ đại.
Những tưởng chỉ có nơi thâm sơn cùng cốc, nơi cổng trời xa ánh sáng đô thị mới còn cảnh thiếu hạ tầng giáo dục. Hóa ra, ngay giữa thủ đô của một nước mà quyền được sử dụng dịch vụ giáo dục công vẫn eo hẹp đến mức nhờ vào sự hiển linh của Tyche - vị thần may mắn.
Hà Nội “nhức đầu” giải bài toán thiếu trường, thiếu lớp - quý vị không hề nghe nhầm đâu, đây là một bản tin của VTV hẳn hoi; dư luận đặt câu hỏi thảng thốt “Dân khổ sở vì thiếu trường học, lãnh đạo Hà Nội biết không?”. Tất nhiên là khó thống kê hết. Thực trạng này còn thấy ở nhiều quận huyện và một số khu đô thị mới được “nổ” vang trời - hạ tầng đầy đủ, tiện nghi và hiện đại.
Nhưng chẳng hiểu sao, Hà Nội muốn xây nhà hát Opera để biểu diễn một loại hình nghệ thuật sang chảnh, khó “lọt tai” với đại đa số dân chúng, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, được quảng cáo là áp dụng công nghệ hiện đại nhất, chưa từng có trên thế giới.
Vâng, vấn đề đặt ra lúc này: Vì sao không dùng tiền đó xây trường học, mở lớp mới, tuyển giáo viên. Hay chỉ có nhà hát Opera mới có thể nâng tầm thủ đô ngàn năm văn hiến ngang bằng thế giới - còn sự nghiệp đèn sách của “chủ nhân tương lai đất nước” không “công” thì “tư”.
Thực tế cho thấy, còn nhiều tỉnh thành lãng phí đầu tư công, công trình xây dựng rôm rả mọc lên rồi “trơ gan cùng tuế nguyệt” bất kể hạ tầng cho giáo dục, y tế tệ đến mức bệnh nhân nằm đầy hành lang, chồng chất vài cả chục người trong căn phòng chưa đầy 20m2; học sinh khai giảng trong bùn đất, lớp xiêu trường vẹo. Hãy đến Chợ Rẫy, Bạch Mai, Tây Bắc, Tây Nguyên… để thấy người viết không hàm hồ.
Không thể phủ nhận chính sách bản lề cho giáo dục của Đảng, Nhà nước rất tốt đẹp. Từ Hiến pháp đến Luật Giáo dục đều toát lên tư tưởng giành những gì tốt nhất cho người học, “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhưng chẳng hiểu sao, nguồn lực tài chính cho lĩnh vực cốt lõi này cứ như muối bỏ bể, trôi sông, đổ biển; bị cuốn vào hàng tá đề án đổi sách, thay chương trình, sách lớn, sách bé, giấy mỏng giấy dày. Nhiều trăm triệu USD chứ chẳng ít!
Công hay tư? Thật ra, giáo dục xã hội hóa là phương sách đúng đắn, động lực tư nhân giúp thay đổi bộ mặt giáo dục Việt Nam trong 20 năm nay, bằng chứng là người học có nhiều lựa chọn hơn, đa dạng hóa cấp học, ngành học, hình thức đào tạo.
Nhưng như vậy không có nghĩa là nhà nước không cần đảm bảo một không gian học tập dự phòng đủ đáp ứng quyền chọn lựa của người dân. Bởi vì không phải phụ huynh nào cũng đủ tiền cho con em mình tiếp cận dịch vụ giáo dục tư thục, hệ thống giáo dục quốc tế như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh.
Vô hình chung, giáo dục trở nên đắt đỏ, nặng thêm áp lực với giai tầng thấp cổ bé họng trong xã hội; ngược với mục tiêu cao cả hướng tới “giáo dục miễn phí”.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong giáo dục và đào tạo
12:39, 24/08/2022
Thi tìm kiếm ý tưởng ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục
02:26, 21/08/2022
Xuất khẩu giáo dục nhìn từ hợp tác Việt Nam – Châu Phi
01:00, 06/08/2022
Giáo dục Việt Nam - Nước mắt giờ chảy xuôi hay ngược?
05:00, 29/06/2022