Để trả lời cho câu hỏi rằng nên khởi nghiệp một mình hay theo nhóm, hãy tư duy về quy mô cần phát triển của việc kinh doanh.
Quy mô này được phân tích dựa trên khả năng bản thân, nguồn lực tài chính, việc phát triển sản phẩm cũng như nhiều yếu tố khác.
>>Học bí quyết kinh doanh từ 30 công ty khởi nghiệp thành công
Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu khởi nghiệp càng tăng cao vì lợi nhuận đem lại cao hơn thu nhập kỳ vọng, mặt khác nền kinh tế phát triển cũng phát sinh thêm các nhu cầu mới cần được đáp ứng. Hai quan điểm này sẽ thúc đẩy một bộ phận người không đi làm thuê mà tự đứng ra kinh doanh để tạo ra lợi nhuận trên vốn đầu tư.
Khi bước vào con đường khởi nghiệp thì điều đầu tiên cần có đó là ý tưởng, sau đó là chuẩn bị cho những thứ cần thiết và một điều mà bất kì ai khởi nghiệp cũng đều băn khoăn là nên khởi nghiệp một mình hay khởi nghiệp cùng một nhóm?
Hành trình khởi nghiệp một mình sẽ như nào?
Khi kinh doanh một mình thứ bạn cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố sẵn sàng kinh doanh như nguồn vốn, ý tưởng kinh doanh, nguồn nhân lực và tập trung 100% vào việc kinh doanh của mình. Những người đứng ra khởi nghiệp là người có đủ quyết tâm và lòng kiên trì, đủ dũng cảm để đối mặt với những chông gai thử thách có thể gặp phải trên con đường khởi nghiệp.
Tuy nhiên khởi nghiệp một mình cũng có điểm hại do tỉ lệ rủi ro cao vì tập trung toàn bộ vốn vào kinh doanh, mặt khác vì tự kinh doanh nên quyền quyết định sẽ nằm ở người chủ, khi đó sẽ nảy sinh sự độc đoán, bảo thủ…
Kinh doanh theo nhóm giúp phân tán rủi ro
Kinh doanh theo nhóm được hiểu là việc hai hoặc nhiều thành viên cùng nhau góp vốn để kinh doanh. Các loại hình mà chúng ta có thể tìm thấy là các loại hình sau: Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần
Người ta thường nói “ Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” . Khi khởi nghiệp người ta muốn tìm đến đồng đội , tìm được những con người có cùng chí hướng để bắt tay vào công việc khởi nghiệp. Những người này không chỉ là những người cùng góp vốn mà còn là những người cùng điều hành công ty. Thay vì một mình giải quyết khó khăn thì nhiều người sẽ dễ dàng hơn
Khởi nghiệp theo nhóm giúp bạn có thể phân tán rủi ro vì có nhiều người tham gia cùng bạn góp vốn, cùng bạn điều hành công ty, mặt khác bạn cũng có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau.
Khởi nghiệp với nhóm có điểm tốt nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra như xung đột về lợi ích khi góp vốn, quản lý doanh nghiệp, chia lợi nhuận, rút vốn… và những xung đột khác trong quyết định của doanh nghiệp.
Tùy theo quy mô để đưa ra quyết định phù hợp cho startup
Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp trong tương lai, mà mỗi nhà sáng lập nên có quyết định phù hợp cho start-up của mình.
Quy mô nhỏ
Theo kinh nghiệm của các nhà khởi nghiệp, với start-up quy mô nhỏ, thì nhà sáng lập có thể làm một mình vì không cần huy động nguồn vốn lớn. Ngoài ra, mô hình nhỏ thường không tạo ra lợi nhuận quá lớn, nếu nhiều người tham gia, thì phần lợi nhuận mỗi người nhận về không được bao nhiêu.
Trong mô hình kinh doanh chỉ có một nhà sáng lập, ưu điểm nổi bật là sự tự do và khả năng ra quyết định nhanh chóng, vì không phải phụ thuộc vào người khác. Nếu thành công, họ có thể hưởng toàn bộ “trái ngọt”, nhưng ngược lại, trong trường hợp thất bại, họ cũng phải tự gánh chịu một mình, áp lực dồn lên các nhà sáng lập sẽ lớn hơn.
Quy mô lớn
Nếu nghĩ đến bài toán kinh doanh lớn trong tương lai, ví dụ, công ty có nhiều hơn 50 nhân viên, thì người đứng đầu start-up nên tìm cho mình những nhà đồng sáng lập có năng lực.
Doanh nhân Lê Hùng Anh, nhà sáng lập, CEO Tập đoàn BIN Corporation, nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam, từng chia sẻ: “Không ai có thể giỏi hết tất cả mọi thứ... Cho dù bạn giỏi cỡ nào đi chăng nữa, bạn cũng không thể giỏi bằng 3 hoặc 5 người cộng lại được. Nên nếu muốn khởi nghiệp thành công, thì phải chọn được đội nhóm ngon”.
Một thống kê trên thế giới cũng từng chỉ ra, nếu khởi nghiệp một mình, nhà sáng lập phải mất tới 70 tháng (gần 6 năm), thì công ty mới có thể phát triển đến giai đoạn mở rộng. Trong khi với số thành viên 3 - 5 người, có thể rút ngắn xuống còn gần 30 tháng. Trên thế giới, nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Facebook hay Airbnb đều là kết quả gây dựng của các nhà đồng sáng lập với nhau.
Tóm lại khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường dễ dàng, không phải ai khởi nghiệp đều thành công. Dù bạn khởi nghiệp một mình hay khởi nghiệp nhóm thì điều cần thiết nhất chính là bản thân bạn phải là người lãnh đạo giỏi.
Có thể bạn quan tâm