Rà soát bất cập hệ thống thông tin đất đai

PHƯƠNG UYÊN 26/09/2022 00:20

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.

>>> Duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng tránh khiếu kiện về đất đai

Cụ thể, tại Công văn số 6227/VPCP-NN ngày 20/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông  tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.

Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản

Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước (chia sẻ, kết nối dữ liệu, đầu tư, bảo mật…), trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành.

Liên quan đến thông tin đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản, hàng quý, hàng năm, Bộ Xây dựng công bố các báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố số liệu thống kê về giá bất động sản và chỉ số giá thị trường bất động sản. Ngoài ra còn có các báo cáo thị trường của một số công ty tư vấn bất động sản thực hiện theo tháng, quý và cả năm.

Tuy vậy, theo PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các thông tin đất đai và báo cáo chính thống của Nhà nước hiện vẫn chưa được xem như các thông tin phổ cập, mới chỉ là thông tin cấp theo yêu cầu. 

PGS.TS. Trần Kim Chung đánh giá, việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác còn chậm, đặc biệt là một số quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tính minh bạch, an toàn của các giao dịch. Các văn bản mang tính cập nhật và chính thức, công khai đang được hoàn thiện chờ ban hành.

>>> Hài hòa lợi ích quyền sử dụng đất

Để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản. Trước tiên là cần phải sửa đổi các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản. 

PGS.TS. Trần Kim Chung lưu ý, việc sửa đổi cần quy định theo hướng: thông tin phải đăng ký theo thửa; cập nhật tự động theo thời gian; thông tin phải phủ trùm cả nước; thông tin phải được tích hợp đa tiện ích; thông tin đất đai, nhà ở, bất động sản phải kết nối thông tin với dữ liệu cá nhân (căn cước công dân…); thông tin phải công khai, minh bạch và dự báo được; sử dụng thông tin có tính phí.

Việc xác định bảng giá đất hàng năm còn nhiều bất cập, cùng với đó cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào chưa đáng tin cậy

Việc xác định bảng giá đất hàng năm còn nhiều bất cập, cùng với đó cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào chưa đáng tin cậy

Ở góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo đề xuất các hiệp hội doanh nghiệp có thể chủ động tiên phong xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai một cách độc lập để Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng.

Ông Trần Xuân Lượng - Chuyên ngành Bất động sản Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (trực tiếp là Tổng cục Quản lý đất đai) là cơ quan thực hiện việc xây dựng và quản lý thông tin về đất đai. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất có được đầy đủ dữ liệu trong việc xây dựng và quản lý thông tin giá đất cần phải có sự phối hợp và tham gia của các Bộ, ngành như Bộ xây dựng, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng và các đơn vị tư vấn giá đất. 

“Để có dữ liệu đầy đủ trong xây dựng và cập nhật thông tin giá đất, ngoài việc thu thập thông tin giá đất, bất động sản theo địa phương cần phải kết hợp và sử dụng thông tin các ngành liên quan, như hệ thống các Văn phòng công chứng, các tổ chức định giá, Sàn giao dịch đất đai bất động sản, quy định tất cả các loại hình đất đai bất động sản bắt buộc phải giao dịch qua sàn, từ đó hình thành lên cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất, bất động sản và do một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý”, TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Chất lượng quản trị đất đai chưa có chuyển biến tích cực

    Chất lượng quản trị đất đai chưa có chuyển biến tích cực

    11:54, 18/09/2022

  • Duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng tránh khiếu kiện về đất đai

    Duy trì 2 kênh giải phóng mặt bằng tránh khiếu kiện về đất đai

    08:01, 15/09/2022

  • GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Luật hóa bất động sản logistics

    GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Luật hóa bất động sản logistics

    03:30, 08/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rà soát bất cập hệ thống thông tin đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO