Rà soát pháp luật: Luật Khoáng sản 2010 còn nhiều tồn tại

GIA NGUYỄN 03/09/2021 04:20

Mặc dù đã đạt được những thành thành tựu bước đầu trong quá trình thực thi, tuy nhiên, Luật Khoáng sản 2010 đã bộc lộ nhiều tồn tại sau hơn 10 năm đi vào thực tiễn…

Luật Khoáng sản 2010 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011, cho đến nay, sau hơn 10 năm đi vào thực tiễn, bên cạnh những thành tựu bước đầu đã đạt được, Luật Khoáng sản 2010 cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi.

Theo các chuyên gia, quá trình thực thi Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế… Đặc biệt, là trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhất là đối với hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông.

Sau hơn 10 năm thực thi, Luật Khoáng sản 2010 đã bộc lộ nhiều tồn tại - Ảnh minh họa

Sau hơn 10 năm thực thi, Luật Khoáng sản 2010 đã bộc lộ nhiều tồn tại - Ảnh minh họa

Thực tế, chính từ những “lỗ hổng” này đã khiến rất nhiều tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, đánh cắp và tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác, buôn bán, tài nguyên, khoáng sản ngày một gia tăng. Như tại tỉnh Phú Thọ, nơi có nhiều mỏ khoáng sản, cũng thường xuyên xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân lén lút khai thác trái phép, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, khu vực tiếp giáp giữa tỉnh này với tỉnh Vĩnh Phúc.

Hay như ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xảy ra tại Công ty cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan. Qua vụ án cho thấy, hàng triệu tấn than khai thác lậu được các bị can tiêu thụ trái phép, trốn nhiều loại thuế và phí để thu lợi bất chính số tiền hơn 121 tỷ đồng.

Đáng nói, nguồn than của các đối tượng đưa đi tiêu thụ được khai thác từ chính những mỏ than được cấp phép, khai thác vượt mốc giới được cấp phép mà thiếu đi sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, của các cơ quan quản lý.

Không chỉ có vậy, cũng theo các chuyên gia, chế tài và các quy định pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn, rất khó khăn cho việc xử lý hình sự các vụ việc vi phạm, mà chỉ dừng ở xử lý hành chính thì chưa đủ sức răn đe dẫn đến thực trạng, do lợi nhuận từ hoạt động khai thác trái phép cao, nên một bộ phận dân cư vẫn vi phạm pháp luật cho thuê đất, thuê rừng, thuê nhà để san gạt khai thác khoáng sản trái phép.

Công tác quy hoạch còn chậm trong rà soát, điều chỉnh, phê duyệt mới quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 tại một số địa phương chưa gắn với quy hoạch của cả nước, chưa mang tính liên kết vùng; một số địa phương có sự chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như trường hợp mỏ Nam Tràng Bạch tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh dẫn tới tình trạng khiếu kiện kéo dài chưa có hồi kết.

một số địa phương có sự chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như trường hợp mỏ Nam Tràng Bạch - Ảnh: Gia Nguyễn

Một số địa phương có sự chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như trường hợp mỏ Nam Tràng Bạch - Ảnh: Gia Nguyễn

Cùng với đó quy hoạch chung và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chưa phù hợp về thời kỳ quy hoạch theo quy định cũng là một trong những vấn đề nhức nhối đang tồn tại trong Luật Khoáng sản 2010 dẫn tới một dự án trọng điểm của quốc gia, đã được chuẩn bị, triển khai từ năm 2017 đến nay như dự án đường cao tốc Bắc - Nam dù được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai. Tuy nhiên, ở một số đoạn tuyến, địa phương đã và đang xuất hiện những khó khăn về vật liệu phục vụ thi công khi ước tính nhu cầu toàn tuyến cần khoảng 60,7 triệu m³ đất đắp; 21,5 triệu m³ đá các loại và 10,8 triệu m³ cát.

Thực tế, một số địa phương còn tồn tại tình trạng cấp phép khai thác không có quy hoạch; cấp phép khai thác khi chưa có trữ lượng khoáng sản được phê duyệt.

Cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép thực hiện không đúng quy định: Cấp giấy phép khai thác cho đơn vị khi đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác lần đầu; thời gian tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, ký cấp phép chậm;…

Chưa kể, quá trình thực hiện kiểm toán nhiều năm trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước cũng không ít lần chỉ ra, việc triển khai công tác xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản tại các địa phương theo quy định tại Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg chưa được triển khai. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành nghĩa vụ nộp tiền hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò của Nhà nước chậm so với quy định.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chế tài trong các văn bản pháp luật chưa đủ mạnh, mặt khác, các giấy phép được cấp trước khi tổ chức, cá nhân nộp tiền hoàn trả. Một số quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế quản lý Nhà nước tại các địa phương và khai thác khoáng sản tại các doanh nghiệp;

Đồng thời, khung giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại khoáng sản được ban hành tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính còn quá cao so với thực tế, vướng mắc trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến 31/12/2013, chưa có phương án phê duyệt chính thức đối với các trường hợp được tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như xử lý về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp trả lại một phần diện tích cấp phép khai thác hoặc trả lại toàn bộ diện tích khai thác.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, công tác đấu giá cấp Trung ương còn chậm, do đối tượng đấu giá là các mỏ chưa thăm dò chứa đựng nhiều rủi ro, mặt khác, sự không đồng bộ trong quy hoạch các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản về địa danh, tọa độ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát pháp luật: Bất cập cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

    Rà soát pháp luật: Bất cập cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

    03:55, 02/09/2021

  • Rà soát pháp luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và những tồn tại

    Rà soát pháp luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và những tồn tại

    04:20, 01/09/2021

  • Rà soát pháp luật: Bất cập quy định về vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    Rà soát pháp luật: Bất cập quy định về vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    04:20, 31/08/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát nội dung Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát nội dung Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

    19:45, 30/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Mâu thuẫn trong Luật Ngân sách Nhà nước 2015

    Rà soát pháp luật: Mâu thuẫn trong Luật Ngân sách Nhà nước 2015

    04:20, 30/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

    Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

    04:20, 28/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rà soát pháp luật: Luật Khoáng sản 2010 còn nhiều tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO