Rác thải và mức độ thịnh vượng

Trương KhắcTrà 06/11/2018 11:00

Ở Việt Nam, sự thật, nguồn rác “phong phú” là do quản lý yếu kém chứ không phải được tạo ra bằng hoạt động kinh tế sôi động.

Thông thường, nguồn rác thải tỷ lệ thuận với mức độ thịnh vượng của một quốc gia, người ta còn tưởng tượng ra được hình hài của nền kinh tế chỉ thông qua…phân tích rác thải.

Trên thế giới có rất nhiều hình mẫu về quản lý và xử lý rác thải, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Estonia là những ví dụ. Nhưng đừng vội đặt câu hỏi rằng, tại sao Việt Nam không áp dụng được các mô hình như trên.

Thực tế là có, biến rác thành điện năng, biến rác thành vật liệu xây dựng, biến rác thành chất đốt là mô hình không mới mẻ gì ở nước ta. Nhưng cái khó nhất là chúng ta, đang yếu kém trong quản lý rác thải.

Đừng vội khen các nước phát triển vì sao họ quản lý tốt nguồn rác, ngoài kinh nghiệm và công nghệ xử lý, họ còn nắm trong tay ngành công nghiệp kinh doanh xuất khẩu rác trị giá hàng chục tỷ USD.

Điểm đến là những quốc gia kém phát triển, thực chất đó là chính sách “quét rác sang nhà người khác”. Vấn đề ở chỗ, cư dân các nước nghèo xem rác nhập khẩu là mặt hàng có thể tạo ra chuỗi giá trị nuôi sống rất nhiều người, làm phồn thịnh nhiều làng nghề, dĩ nhiên có đóng góp cho ngân sách.

Năm 2018, Việt Nam chi 1,1 tỷ USD nhập khẩu 3 triệu tấn sắt thép phế liệu, chủ yếu là động cơ, máy móc cũ, hết “đát” ở những nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Hiện có 6.000 container rác nhập khẩu tồn đọng ở các cảng biển khắp cả nước.

Rác tồn đọng ở cảng

Rác tồn đọng ở cảng

Làng Quan Độ (Bắc Ninh), làng Tề Lỗ (Vĩnh Phúc) và nhiều “đại công trường phế liệu” ở Miền Bắc nổi tiếng vì giàu lên nhờ buôn đồng nát, tất tần tật mọi thứ từ sợi dây cáp đến xác tên lửa, trực thăng, xe cộ “ai bán tôi mua hết”.

Có thể bạn quan tâm

  • FrieslandCampina Việt Nam tham gia chương trình chống rác thải nhựa

    FrieslandCampina Việt Nam tham gia chương trình chống rác thải nhựa

    00:26, 31/10/2018

  • Hạ Long “đau đầu” chuyện thu phí rác thải

    Hạ Long “đau đầu” chuyện thu phí rác thải

    05:17, 23/10/2018

  • Nhọc nhằn nghề thu gom rác thải dân sinh

    Nhọc nhằn nghề thu gom rác thải dân sinh

    11:02, 05/10/2018

  • Nghệ An: Rác thải “bao vây” thị xã Hoàng Mai

    Nghệ An: Rác thải “bao vây” thị xã Hoàng Mai

    11:05, 03/10/2018

Những làng nghề hối hả quanh năm suốt tháng được đảm bảo bởi nguồn “nguyên liệu” vô tận, trong khi Việt Nam chưa phải là một nước đạt đến trình độ công nghiệp cao để thải loại máy móc, thiết bị kỹ thuật với số lượng lớn.

Vì vậy, nhập khẩu là nguồn cung không bao giờ cạn, nhưng không phải hoàn toàn rác đều có thể “mổ” ra tiền ngay tức khắc, nhựa và giấy là hai “cục nợ” to đùng mà Việt Nam đang mở toang cửa nhập vào xong rồi giật mình vì không tìm thấy chủ nhân!

Cơ quan chuyên trách cao nhất về lĩnh vực này là Bộ Tài nguyên Môi trường tỏ ra “đau đầu” vì khối rác khổng lồ 6.000 contaner - mà nếu tập hợp lại không thua gì quả núi. Rác thải nước ngoài có thể “lọt” qua biên giới và được xếp dỡ gọn gàng vào kho là cả một câu chuyện rất dài!

Theo Bộ này, quản lý rác nhập khẩu luôn bị động vì không có cơ chế kiểm soát từ xa. Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.

Hóa ra việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về “đơn giản” vậy sao? Hậu quả thế nào nếu đó không phải là rác, mà nhiều thứ khác như dịch bệnh, tai họa. Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay, mỗi năm có 40 thiết bị phóng xạ bị đánh cắp hoặc thất lạc.

Trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp “cảm thấy” khó khăn khi làm thủ tục hải quan, mặc dù kinh doanh đúng pháp luât, tình trạng này ngày càng tăng, theo khảo sát của VCCI năm 2016, có 31% doanh nghiệp được khảo sát cho hay họ phải “chi phí không thức” để giải quyết thủ tục, tăng hơn so với năm 2015.

Những chuyện không hay như ở Hải Quan Hải Phòng lại xảy ra, nhận “bôi trơn” để giải quyết thủ tục, kỷ luật 10 vị, không một ai mất việc, và không ai chắc tình trạng hối lộ hành chính sẽ hết và hàng ngàn container rác hết tuồn vào.

Quản lý rác và chính cái phương thức vận hành quản lý ở nước ta đang có vấn đề, một khi không được đôn đốc bằng “trách nhiệm” và “minh bạch” thì dù có bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu đầu mối chỉ làm rối thêm tình hình.

Việt Nam thuộc nhóm nước thải nhựa ra biển lớn nhất thế giới, TP HCM và Hà Nội là hai trung tâm “sản xuất” rác thải khổng lồ, cộng thêm động thái nói không với nhập khẩu rác từ Trung Quốc; Việt Nam có nguy cơ trở thành “cường quốc rác” trước “cường quốc kinh tế”.

Mức độ giàu có theo số lượng rác thải có vẻ chưa xảy ra ở Việt Nam, sự thật, nguồn rác “phong phú” là do quản lý yếu kém chứ không phải được tạo ra bằng hoạt động kinh tế sôi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rác thải và mức độ thịnh vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO