Việc hồ tiêu xuất khẩu bị Hải quan đưa vào danh mục xuất khẩu có điều kiện kiểm soát đã khiến doanh nghiệp ngành này “đau đầu” bởi những quy định bủa vây.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công về việc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất khẩu mặt hàng này. Nguyên nhân là do Hải quan đưa hồ tiêu vào nhóm xuất khẩu có điều kiện để kiểm soát.
Theo đó, Bộ Y tế đã xếp hồ tiêu vào nhóm dược liệu trong các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Dược. Trong bản phân loại của Bộ Y tế, hồ tiêu đã bị phân vào “luồng vàng” nên Hải quan phải kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ. Trước đó, mặt hàng này được phân vào “luồng xanh” được miễn kiểm tra hàng hóa.
Việc cập nhật lỗi của Bộ Y tế đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu “đau đầu” bởi doanh nghiệp phải gánh thêm hàng loạt chi phí gia tăng khi phải đi lại nhiều lần để xử lý tờ khai thông quan. Đồng thời, việc này còn tiềm ẩn nguy cơ mắc COVID-19 trong bối cảnh hiện tại.
Ông Lê Việt Anh - Đại diện Hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hồ tiêu là một mặt hàng nông sản thông thường. Cụ thể, trong Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ngày 25/12/2018 ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, hồ tiêu là 1 trong 13 mặt hàng chủ lực có trong danh sách.
Đồng thời, trong năm 2020 Việt Nam xuất khẩu 285 ngàn tấn hồ tiêu đến hơn 110 quốc gia trên toàn thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD. Có nghĩa rằng, hồ tiêu chính là một mặt hàng nông sản được xuất khẩu với số lượng lớn từ trước đến nay.
Ngoài ra, hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn đối với hồ tiêu xuất khẩu làm dược liệu. Tại Việt Nam, việc hồ tiêu được sử dụng làm dược liệu chỉ xuất hiện trong phạm vi nhỏ vài bài thuốc y học cổ truyền. Cho nên, việc áp dụng quy định hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện để kiểm soát là một yêu cầu bất hợp lý.
Vào cuối năm 2020, Bộ Y tế cũng đã đưa các mặt hàng nông sản gừng, tỏi, đậu, rau thơm,... vào nhóm dược liệu và quản lý như kinh doanh thuốc. Việc này khiến công việc của các công ty xuất nhập khẩu và logictics bị đảo lộn, thậm chí là phải tạm ngưng hoạt động vì hàng về tới cảng nhưng không thể nhận.
Đến lần này hồ tiêu chính là “nạn nhân” của việc xếp loại cẩu thả này. Những doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang cố trụ vững sau những khó khăn của dịch bệnh nay phải “gánh” thêm nhiều huệ lụy do sự tắc trách của một số cá nhân.
Việc cập nhật lỗi vô hình chung đã tạo nên một hàng rào cản trở việc kinh doanh, sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Dù đồng thuận hay không, doanh nghiệp cũng đành phải tuân thủ, bởi đó là quy định. Điều này dần đẩy doanh nghiệp vào thế không thể kinh doanh, chịu cảnh bế tắc.
Vì vậy, mặt hàng này cần được sắp xếp vào đúng nhóm để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Chưa kể doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải chịu áp lực từ việc chi phí vận chuyển hàng hải leo thang. Do đó, doanh nghiệp cần được tiếp sức hơn là gây khó dễ.
Đối với các cơ quan chức năng, việc lựa chọn, đưa ra các quy chế cần phải xem xét thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định. Bởi, chỉ cần một quyết định có vướng mắc, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những người đầu tiên lãnh hậu quả. Chưa kể đến, việc hậu quả không được khắc phục sớm sẽ tạo tiền lệ xấu cho những trường hợp khác, đặc biệt là tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát.
Có thể bạn quan tâm
05:14, 27/07/2021
09:31, 25/07/2021
03:30, 25/07/2021