Rối như thủ tục liên ngành trong xây dựng (KỲ I): Doanh nghiệp “ám ảnh” vì thủ tục

Diendandoanhnghiep.vn Dù đã được sửa đổi nhiều lần thế nhưng thủ tục cấp phép xây dựng vẫn là “nỗi ám ảnh” với doanh nghiệp bởi quá “rườm rà, lắm đầu mối và tốn kém”.

Thủ tục đầu tư xây dựng liên ngành rối rắm khiến các dự án mất nhiều năm mới có thể xong bước hồ sơ (Ảnh: Nhà ở xã hội Bình Phú)

Trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự chững lại, dự án được cấp phép ngày càng ít mà một trong những nguyên nhân chính là sự rườm rà trong thủ tục cấp phép xây dựng.

Doanh nghiệp kêu trời

Theo ông Nguyễn Văn Đực, nguyên Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, làm doanh nghiệp rồi mới biết thời gian làm thủ tục dài vô tận. Đơn cử chỉ quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được tách ra làm 3 quy trình: tất cả các công trình cấp I trên toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Đáng nói, sau khi đi một vòng thẩm định 2 quy trình trên thì chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp phép xây dựng.

Bên cạnh đó, một nghịch lý nữa trong Luật Xây dựng là tính thiết kế kỹ thuật trên giá thành xây dựng, theo ông Đực, đây là một quy định gây lãng phí vì dự án đội giá thành lên cao. “Nên chăng xem xét cho phép chủ đầu tư tư nhân được miễn khâu thẩm tra thiết kế kỹ thuật, còn chủ đầu tư quốc doanh thì cần thẩm tra kỹ khâu này, vì sử dụng vốn ngân sách”, ông Đực đề xuất.

Trong khi đó, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thủ tục cấp phép xây dựng còn liên quan đến các “giấy phép con” như: tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy hoạch mặt bằng, đánh giá tác động môi trường…

Giấy phép con khiến ngay cả các dự án xây dựng nhà xưởng, công trình nhà ở đô thị cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì thủ tục kéo dài (ảnh: Vsip II-A, Tỉnh Bình Dương)

"Những "giấy phép con" đó phải đi theo quy trình, tuần tự chứ không được làm song song và phải tiếp xúc với nhiều cơ quan khác nhau như Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường… Thế nhưng, đến khâu thẩm định cuối cùng, dự án bị yêu cầu điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, tức là quay trở về với bước “chờ nộp”, thực hiện lại từ đầu.

Một số doanh nghiệp không chuyên cũng chia sẻ khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án nhà xưởng, các doanh nghiệp đã phải “choáng váng” vì hành trình xin giấy phép xây dựng dự án. Thậm chí như trường hợp của ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh khi tiến hành thủ tục thực hiện dự án mở rộng nhà xưởng sản xuất, doanh nghiệp này đã phải gửi đơn cầu cứu UBND TP HCM vì quá nhiều thủ tục để được cấp phép xây dựng, nhiều lần phải làm lại hồ sơ và lỡ thời gian.

Cần công khai hóa quy hoạch

Chia sẻ tại Hội thảo công bố báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp” do Bộ Xây dựng phối hợp với VCCI tổ chức, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, để tiến đến cấp phép xây dựng, có rất nhiều những thủ tục liên ngành cần được phê duyệt, từ việc quy đất, dự án được duyệt...

Mặc dù quy trình này đã có một quy trình cụ thể được quy định trong pháp luật, tuy nhiên thực tế mỗi địa phương lại có những cách hiểu và thực thi khác nhau dẫn đến gây khó cho doanh nghiệp.

Đơn cử như tại Hà Nội, một doanh nghiệp muốn thực hiện dự án phải thông qua tuần tự từ Sở Quy hoạch Kiến trúc giới thiệu địa điểm, duyệt quy hoạch 1/500 rồi hồ sơ lại phải chuyển sang Sở QH-ĐT để lập dự án, đến Sở TN&MT để được giao đất và cuối cùng mới đến Sở Xây dựng để cấp phép xây dựng.

Không những vậy, tại mỗi sở, doanh nghiệp cũng phải thực hiện rất nhiều những thủ tục hành chính và đến giai đoạn từ cấp nước, cấp điện, thoát nước...Rõ ràng, việc "ách tắc" của các dự án không chỉ đến từ thủ tục cấp phép mà thực tế đến từ các thủ tục liên thông.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, để giải quyết vấn đề này, cần sửa đồng bộ về cơ chế chính sách pháp luật của nhà nước, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, công khai hóa quy hoạch được duyệt để người dân dễ dàng tiếp cận đường đi của thủ tục như thế nào.

Thứ nữa là quy hoạch công khai dự án đầu tư trên cơ sở phân khu, minh bạch các vùng cấm xây dựng, việc thực hiện công khai đấu giá thực hiện dự án.

Ngoài ra, ông Chiến cũng kiến nghị sớm ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm quản lý quá trình từ lúc đô thị hình thành, điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Rối như thủ tục liên ngành trong xây dựng (KỲ I): Doanh nghiệp “ám ảnh” vì thủ tục tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714738796 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714738796 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10