Thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng không chỉ “đóng khung” trong tờ giấy phép xây dựng mà là cả một hệ thống quy định, thủ tục với nhiều điểm còn bất cập, “liên mà chưa thông”.
LTS: Nhiêu khê, phức tạp, chồng chéo, tốn kém thời gian, công sức, tiền của, tạo cơ hội để cơ chế xin- cho… là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập khi nhắc tới các thủ tục xây dựng cơ bản liên ngành.
Lâu nay chúng ta vẫn thường cho rằng cấp phép xây dựng là cầm được giấy phép xây dựng trong tay nhưng thực tế để được cấp “tờ giấy” đó phải đi qua nhiều “cửa” với loạt thủ tục hành chính có tính liên ngành và liên cấp.
Ngay cả trong Luật Xây dựng năm 2014 cũng đã định nghĩa hoạt động xây dựng bao gồm “việc lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, báo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình”. Như vây, hoạt động xây dựng liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương.
Theo thống kê từ cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của Bộ Xây dựng, số thủ tục hành chính về hoạt động xây dựng của Bộ là 10 nhóm thủ tục, chia làm 22 thủ tục nhỏ, trong đó, có 09 thủ tục liên quan đến triển khai dự án đầu tư xây dựng).
Ở cấp địa phương, nhiều ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng đã ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng và các ủy ban nhân dân cấp huyện. Như tại thành phố Hà Nội hiện có 13 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng do Sở Xây dựng phụ trách và 9 thủ tục thuộc thấm quyền của UBND cấp huyện.
Chính vì có cả một hệ thống các quy định như vậy dẫn đến việc phát sinh những vướng mắc liên quan đến công tác phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng.
Chẳng hạn như có trường hợp doanh nghiệp triển khai một dự có 42 căn nhà liền kề và một tòa nhà cao 9 tầng tại Hà Nội. Khi triển khai hoàn thiện các thủ tục cấp phép xây dựng thì các quy định hiện tại khá trớ trêu, trong khi 42 căn nhà thấp tầng chỉ cần UBND cấp quận cấp phép thì tòa nhà 9 tầng lại phải lên tận Sở Xây dựng. Khi doanh nghiệp đưa hồ sơ lên Sở Xây dựng thì được hướng dẫn phải cắt ra còn 42 nhà thấp tầng đưa về cho quận cấp. Tuy nhiên khi doanh nghiệp tách ra rồi thì phía UBND quận lại bảo không được, phải đưa lên sở.
Cứ loanh quanh như thế, doanh nghiệp mất đến 3 tháng lo thủ tục vẫn chưa xong. Thực tế cho thấy, nếu đã có quy hoạch 1/500 thể hiện mức độ công trình như thế nào thì quy định rõ ràng ai được cấp phép, quy rõ trách nhiệm, phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng để doanh nghiệp và người dân biết, thực hiện, giám sát và không mất thời gian vì thủ tục hành chính".
Do đó, trọng tâm trong việc cải cách thủ tục hành chính liên hành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan là ở khâu thừa hành, triển khai các chính sách, quy định vào cuộc sống. Cần có cơ chế liên thông, liên ngành với công cụ giám sát, “minh bạch hóa” đường đi của hồ sơ cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan để doanh nghiệp và người dân theo dõi được.
Vừa qua, việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 được xem là một trong những cải cách quy định pháp luật quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, đây là một bước đi đúng đắn nhằm cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, trên góc độ những doanh nghiệp đang thực hiện các công trình lớn hâu hết vẫn kỳ vọng bên cạnh những thay đổi về thể chế, cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong công tác tổ chức thực hiện tại địa phương nhằm giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng trên thực tế, tránh tình trạng các thủ tục “liên mà chưa thông”.
Thời gian làm thủ tục dài vô tận. Đơn cử chỉ như quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được tách ra làm 3 quy trình: tất cả các công trình cấp I trên toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Đáng nói, sau khi đi một vòng thẩm định 2 quy trình trên thì chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp phép xây dựng. Hơn nữa, thủ tục cấp phép xây dựng còn liên quan đến các “giấy phép con” như: tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy hoạch mặt bằng, đánh giá tác động môi trường…