Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đưa ra phương án cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ GTVT đang xin ý kiến góp ý rộng rãi đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), bổ sung nhiều quy định về đầu tư hạ tầng.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đường sắt 2017 đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực đường sắt, làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của từng chủ thể tham gia trong lĩnh vực đường sắt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Luật Đường sắt 2017 cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật là yêu cầu cấp bách và cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời để thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo được đột phá về thể chế cho phát triển đường sắt.
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến gồm 8 chương, 80 điều. So với Luật Đường sắt 2017, Dự thảo giảm 2 chương và 7 điều. Trong đó, không tách riêng chương về đường sắt tốc độ cao và chương về đường sắt đô thị như trong Luật Đường sắt 2017.
Theo Bộ GTVT, các quy định ở hai chương này tại Luật Đường sắt 2017 mới chỉ mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn khai thác và vận hành.
Mặt khác, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao chỉ là các cấp kỹ thuật đường sắt và cần được thống nhất quản lý như các cấp kỹ thuật đường sắt khác từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, nhân viên đường sắt, tín hiệu, quy tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn đường sắt, kinh doanh đường sắt.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT bố cục lại theo hướng không đưa các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao thành các chương riêng mà được quy định chung cùng với các loại hình đường sắt khác.
Về đầu tư, xây dựng hạ tầng đường sắt, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT đã dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: Trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng, đường sắt vùng và công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, công trình đường sắt quốc gia dùng chung với đường sắt địa phương, đường sắt dùng chung với đường bộ.
Dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt như: được phép lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, gọi là thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đối với dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng đó, bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện.
Đáng lưu ý, Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về “Đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt”. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ đường sắt.
Nhà nước đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt kết nối từ đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương đến các cơ sở công nghiệp đường sắt sản xuất đầu máy, toa xe.
Đề xuất 02 Phương án gồm, phương án 1: “Chính phủ quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng và tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao chuyên dùng cho đường sắt.”
Theo Bộ GTVT, ưu điểm của phương án này là thu hút được các doanh nghiệp sở hữu công nghệ đường sắt và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp đường sắt.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là nguồn lực của nhà nước để thực hiện các ưu đãi không chỉ cho doanh nghiệp nhà nước mà cho cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà nước khó định hướng, điều tiết để phát triển công nghiệp đường sắt lâu dài khi mục tiêu của doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là lợi nhuận.
Với Phương án 2, Bộ GTVT nêu trong dự thảo: “Chính phủ quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng và tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao chuyên dùng cho đường sắt.”
Với phương án này, nguồn lực của nhà nước để thực hiện các ưu đãi tập trung cho doanh nghiệp nhà nước; qua đó có thể tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp nhà nước đủ năng lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước có thể định hướng, điều tiết được thị trường công nghiệp đường sắt.
Tuy nhiên có thể phương án này sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đường sắt do đối tượng này không được nắm quyền chi phối trong các doanh nghiệp.
Đồng thời, không bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia phát triển công nghiệp đường sắt.
Chia sẻ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung khi sửa đổi Luật Đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, cần bổ sung một số quy định về chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển KCHT đường sắt, vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt.
Đồng thời, cần quy định các chính sách về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm cơ khí đường sắt. Xây dựng cơ chế đặt hàng cho một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nội địa hóa, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư phát triển đường sắt.
Đặc biệt lưu ý các chính sách, cơ chế phát triển công nghiệp đường sắt. Bởi "đây là nhiệm vụ cấp bách, cần quan tâm ngay vì không thể phát triển đường sắt khi công nghiệp đường sắt không phát triển, khi vật tư, thiết bị, công nghệ còn phải nhập khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.