Rủi ro từ biến động giá dầu thế giới

Thuỵ Vân 22/04/2018 11:20

Việc Mỹ cùng với Anh và Pháp tiến hành cuộc không kích vào Syria đã khiến giá dầu mỏ thế giới tăng đột biến lên mức cao kỷ lục kể từ giữa năm 2014.

Điều này đã và đang tác động không nhỏ tới kinh tế thế giới.Sau trận không kích của Mỹ và các đồng minh, giá dầu đã giảm nhẹ, nhưng hiện vẫn trụ vững trên mức cao hơn 73USD/thùng.

p/Cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp vào Syria đã đẩy giá dầu thô Brent lên mức 73,40 USD/thùng.

Cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp vào Syria đã đẩy giá dầu thô Brent lên mức 73,40 USD/thùng.

Tác động từ nhiều yếu tố

Đối với tất cả các nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu tăng sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên, giá dầu luôn biến động mạnh chứ không ổn định, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với các quốc gia này. Điều đáng chú ý ở lần tăng giá dầu này chịu tác động cộng hưởng từ nhiều yếu tố, như diễn biến tình hình địa chính trị ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và Bắc Phi; mối quan hệ giữa nhiều nước phương Tây và Nga ngày càng xấu đi nghiêm trọng; việc Mỹ tập hợp những đồng minh như Israel và Saudi Arabia tăng cường đối địch Nga cũng như việc chuyển quyền lực và tình hình kinh tế, chính trị và xã hội nội bộ bất ổn ở Venezuela. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng như khai thác dầu đá phiến ở Mỹ cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Trong quá khứ đã có không ít lần giá dầu mỏ bị tác động và chi phối mạnh mẽ bởi những căng thẳng địa chính trị khu vực và thế giới như hiện tại. Nhưng phải sau nhiều thập kỷ mới lại được chứng kiến giá dầu mỏ bị “vạ lây” bởi những yếu tố tác động này.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong trong thời gian tới, bất chấp những biến động mạnh mẽ về chính trị, an ninh trên thế giới. Điều đó sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ nói chung sẽ tăng, đẩy giá dầu mỏ tăng, nhưng tăng không quá bất ngờ như tác động từ căng thẳng địa chính trị.

Hiện nay cung vẫn vượt cầu dầu mỏ thế giới. Để giải quyết tình trạng này, OPEC và một số quốc gia không thuộc thành viên của tổ chức này, bao gồm cả Nga, đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,8 triệu thùng mỗi ngày đến cuối năm 2018.

Biến động khó lường

Venezuela hiện trong tình trạng bất ổn định chính trị và xã hội cũng như rất khó khăn về kinh tế. Saudi Arabia lún sâu vào cuộc chiến với lực lượng người Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen, gây hấn ngoại giao với Qatar và đối địch Iran. Trong khi Iran không chỉ phải đối phó với Saudi Arabia mà còn cả Mỹ và Israel. Còn Nga bị phương Tây thù địch đến như thế. Không chỉ bất đồng về chính trị mà cả xung đột quân sự giữa các quốc gia này với nhau đều có thể xảy ra mà chuyện ở Syria vừa rồi là ví dụ mới nhất và điển hình nhất. Chiến tranh hay xung đột vũ trang kéo dài hay chỉ một lần, cũng đủ để làm cho hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của các quốc gia này bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, Syria không phải là nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn, nhưng các mối xung đột diễn ra ở nơi đây ảnh hưởng trực tiếp đến các nước khai thác và xuất khẩu lớn, làm cho tình hình chính trị, an ninh của khu vực và thế giới càng xấu đi nghiêm trọng. Giá dầu mỏ vì thế không thể không tăng nhanh, bất ngờ và đến mức quá cao.

Tình hình địa chính trị ở Syria hiện chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng và gay cấn, càng chưa lộ diện khả năng xoay chiều. Vì thế, giá dầu chắc sẽ còn tăng hoặc sẽ ổn định ở mức cao. Cái ngưỡng 100 USD/thùng tuy còn cách xa mức giá hiện tại, nhưng rõ ràng không thể loại trừ khả năng giá dầu sẽ đạt mức đó trong thời gian tới.
Đối với tất cả các quốc gia, điều quan trọng bây giờ phải có giải pháp phòng ngừa rủi ro biến động bất thường của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới. Đại đa số các nước trên thế giới không liên quan trực tiếp đến những biến động chính trị an ninh thế giới nổi cộm nói trên nhưng trong thực tế đều bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu.

Tác động đến Việt Nam

Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu dầu thô và doanh thu từ hoạt động này chiếm khoảng 10- 20% nguồn thu hàng năm của ngân sách Nhà nước. Nếu giá dầu thô tiếp tục tăng, sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành dầu khí cũng như được hưởng lợi, đặc biệt nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng đổ mạnh vào ngành này. Ngoài ra, thị trường chứng khoán sẽ được tác động tích cực thông qua nhóm cổ phiếu dầu khí.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang chủ yếu nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ trong nước. Do đó, giá dầu thô thế giới tăng sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ khiến áp lực lạm phát gia tăng, khiến việc điều hành của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Nếu lạm phát gia tăng, buộc NHNN phải tăng lãi suất, ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng của nền kinh tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rủi ro từ biến động giá dầu thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO