Sạc siêu nhanh giúp xe điện tiện lợi hơn nhưng lại khiến pin nhanh chai, đội chi phí bảo trì và rút ngắn tuổi thọ xe.
Sạc siêu nhanh đang trở thành xu hướng trong ngành xe điện nhằm giảm thiểu nỗi lo hết điện giữa đường, đặc biệt tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự tiện lợi này đi kèm với một cái giá không nhỏ: pin bị chai nhanh hơn, dẫn đến chi phí thay thế cao và rủi ro giảm giá trị xe.
Theo khảo sát do CarNewsChina tổng hợp, các xe chạy dịch vụ tại Trung Quốc vốn sử dụng sạc siêu nhanh hơn 70% tổng số lần sạc có thể giảm dung lượng pin từ 100% xuống chỉ còn 85% sau hai năm sử dụng. Đặc biệt, nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa được dẫn lại trên cùng nguồn cho thấy việc sạc thường xuyên ở công suất trên 120kW có thể rút ngắn tuổi thọ pin tới 40% so với phương pháp sạc chậm thông thường.
Pin là bộ phận đắt đỏ nhất trên một chiếc xe điện, chiếm khoảng 40–50% tổng giá trị xe mới. Do đó, khi pin xuống cấp nhanh, người dùng phải đối mặt với chi phí thay pin cao, thậm chí cao hơn giá trị còn lại của xe, buộc họ lựa chọn giữa thay pin hay bán xe lỗ nặng.
Dù các hãng xe tại Trung Quốc buộc phải bảo hành pin trong ít nhất 8 năm hoặc 120.000 km theo quy định, nhưng thực tế áp dụng lại đi kèm nhiều điều kiện nghiêm ngặt: xe phải do chủ sở hữu đầu tiên đứng tên, không được dùng vào mục đích thương mại, giới hạn số km chạy mỗi năm và buộc bảo trì tại xưởng chính hãng. Một số chính sách còn loại trừ những xe sạc siêu nhanh quá thường xuyên, khiến tài xế dịch vụ trở thành đối tượng “rớt bảo hành” dù sử dụng đúng chức năng xe điện.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dùng xe điện tại thị trường này còn nhầm tưởng “bảo hành trọn đời” đồng nghĩa với quyền được thay pin bất kỳ lúc nào nếu thấy xe sụt hiệu suất. Để khắc phục, các nhà sản xuất Trung Quốc đang cải tiến công nghệ như tích hợp hệ thống quản lý pin (BMS) thông minh, cải thiện khả năng kiểm soát nhiệt độ khi sạc nhanh và phát triển trạm sạc tự động điều chỉnh dòng điện theo trạng thái pin. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng nên hạn chế sạc nhanh dưới 40% tổng số lần sạc, tránh sạc khi pin dưới 10% hoặc trên 90%, vì đây là các ngưỡng dễ gây hư hại nhất cho pin.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng xe điện với hàng loạt trạm sạc được xây dựng thì những bài học từ Trung Quốc là vô cùng cần thiết để tránh lặp lại các sai lầm tương tự.
Thứ nhất, cần một chiến lược cân bằng giữa tốc độ và độ bền. Trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, nếu chỉ tập trung vào việc quảng bá khả năng sạc nhanh mà không cảnh báo rủi ro pin chai sớm, sẽ dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp và chính quyền cần phối hợp quy hoạch đồng bộ trạm sạc nhanh và chậm, ưu tiên lắp trạm sạc chậm tại chung cư, bãi gửi xe dài hạn, văn phòng, nơi người dùng có thời gian sạc lâu hơn.
Thứ hai, chính sách bảo hành cần minh bạch, dễ hiểu. Nhà nước và các hãng xe cần chuẩn hóa định nghĩa về “bảo hành pin”, phân biệt rõ giữa lỗi sản xuất và suy giảm hiệu suất tự nhiên theo thời gian. Đồng thời, cần công khai điều kiện bảo hành liên quan đến sạc nhanh (tần suất tối đa, công suất), tránh việc người dùng bị từ chối bảo hành chỉ vì dùng đúng chức năng được quảng cáo.
Thứ ba, cần đầu tư sớm vào công nghệ bảo vệ pin. Việt Nam hoàn toàn có thể đi trước bằng cách yêu cầu tích hợp BMS thông minh và giám sát nhiệt độ trong cả xe lẫn trạm sạc. Đây là biện pháp ít tốn kém hơn việc bảo hành đại trà và mang lại giá trị dài hạn cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.
Cuối cùng, nâng cao nhận thức người dùng là yếu tố then chốt. Các hãng xe, trạm sạc và cả cơ quan truyền thông cần tích cực hướng dẫn cách sạc an toàn, tiết kiệm tuổi thọ pin: không sạc quá nhanh khi pin quá thấp hoặc quá đầy, ưu tiên sạc chậm khi có thời gian và không phụ thuộc hoàn toàn vào “sạc siêu nhanh” chỉ vì tiện lợi trước mắt.