Sai lầm thương gặp khiến doanh nhân gọi vốn khởi nghiệp thất bại

Theo quocgiakhoinghiep 04/04/2020 05:19

Theo các chuyên gia, hiện việc gọi vốn ở các giai đoạn đầu khó khăn hơn bao giờ hết, với các thương vụ rót vốn hạt giống giảm đến gần 50%.

Gọi vốn khởi nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng với các startup. Theo doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn David Brown – nhà sáng lập, đồng CEO Công ty tư vấn và rót vốn cho startup Techstars, việc gọi vốn ở các giai đoạn đầu hiện đang khó khăn hơn bao giờ hết, với các thương vụ rót vốn hạt giống giảm gần 50%. Từ năm 2014, vốn đầu tư mạo hiểm chủ yếu tập trung đổ vào các thương vụ gọi vốn giai đoạn sau của công ty khởi nghiệp.

Trong bài phân tích trên trang Inc., chuyên gia nhấn mạnh, sự thay đổi xu hướng của dòng vốn đầu tư mạo hiểm khiến các nhà sáng lập càng cần phải chú ý tránh phạm vào những sai lầm phổ biến trong quá trình gọi vốn. Vì ngay cả những sai lầm nhỏ nhất cũng có thể khiến nhà đầu tư quay lưng.

Tránh phạm vào những sai lầm sau đây, các startup sẽ có thể nâng cao cơ hội thành công hơn ở những vòng gọi vốn đầu tiên:

1. Không đầu tư đủ thời gian cho việc chuẩn bị gọi vốn

Việc khởi đầu một doanh nghiệp mới luôn đầy căng thẳng và thử thách, và thường chiếm mất nhiều quỹ thời gian của nhà sáng lập. Nhưng cũng chính vì thế mà họ thường không ưu tiên xác định khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị gọi vốn.

Ngược lại, những doanh nhân gọi vốn thành công làm công đoạn này rất tỉ mỉ. Một startup muốn tìm kiếm nguồn tài chính nên dành quỹ thời gian 500 – 1.000 giờ (thường từ 6 – 9 tháng) cho việc chuẩn bị gọi vốn.

Các nhà sáng lập nên chia quá trình gọi vốn thành 4 giai đoạn: hoàn thiện pitch deck (bản mô tả ngắn gọn để người nghe có cái nhìn tổng quát về kế hoạch kinh doanh), xác định một danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, tiếp cận các nhà đầu tư này, và sau đó là thương lượng.

2. Không nghiên cứu nhà đầu tư

Xác định đúng các nhà đầu tư là bước đầu tiên. Hãy đảm bảo rằng bạn nhắm vào các nhà đầu tư mục tiêu là những người đã rót vốn cho những doanh nghiệp có sự tương đồng với doanh nghiệp bạn về quy mô, vòng gọi vốn và mô hình kinh doanh.

Các nhà sáng lập hiểu rõ việc công ty của mình phù hợp như thế nào với danh mục đầu tư của các nhà đầu tư và dùng thông tin đó để thuyết phục sẽ lập tức dễ thành công hơn những người chỉ tập trung vào tiềm năng công ty của mình.

Trước khi gặp gỡ, nhà khởi nghiệp cũng nên nghĩ ra tất cả các câu hỏi và các yêu cầu mà nhà đầu tư có thể đưa ra. Nếu cảm thấy xa lạ với các loại câu hỏi, tài liệu hoặc dữ liệu mà nhà đầu tư thường đưa ra, họ có thể nhờ một mentor tư vấn. Nếu chuẩn bị kỹ những thông tin này, doanh nhân khởi nghiệp sẽ đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư một cách nhanh chóng và chứng minh được rằng công ty của họ đã sẵn sàng cho bước tiếp theo.

Tại Techstars, khi đưa ra các quyết định đầu tư, chúng tôi tìm kiếm các yếu tố sau đây: đội ngũ, sau đó là thị trường, tiến độ và ý tưởng. Hãy đảm bảo rằng bạn giải thích được sự gắn kết của đội ngũ khởi nghiệp của mình, tại sao bạn là “chuyên gia” trong lĩnh vực mình đang hoạt động, và tại sao nhà đầu tư nên đặt niềm tin và tiền bạc vào bạn.

3. Từ chối các sự giúp đỡ chuyên môn

Gọi vốn là phần việc hết sức quan trọng, đặc biệt khi bạn mới gọi vốn kinh doanh lần đầu. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn từ một mentor, chuyên gia, hoặc từ một tổ chức tư vấn. Với mỗi lần nỗ lực gọi vốn, nhà khởi nghiệp sẽ có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

Đôi khi sự tư vấn từ các chuyên gia, chẳng hạn như luật sư, sẽ đòi hỏi một mức phí nhất định. Nhưng nếu lời khuyên của họ giúp cho vòng gọi vốn của bạn thành công thì chúng cũng rất đáng giá.

4. Phức tạp hóa

Là một nhà sáng lập, bạn là một “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình, nhưng quá nhiều nhà khởi nghiệp quên rằng hầu hết các nhà đầu tư không có cùng chuyên ngành với họ. Khi phát triển pitch deck, hãy tập trung vào vấn đề bạn đang giải quyết và cách bạn giải quyết nó. Nói quá nhiều về các yếu tố kỹ thuật thường khiến người nghe cảm thấy nhàm chán.

Trung bình, các pitch deck nên có ít hơn 20 slide trình chiếu và nên bao gồm các yếu tố: vấn đề, giải pháp, thị trường, sản phẩm, đội ngũ, tài chính và số vốn cần kêu gọi.

Các nhà khởi nghiệp nên xem xét việc chuẩn bị 2 phiên bản pitch deck. Một phiên bản để sử dụng cho việc thuyết trình trực tiếp với ít nội dung văn bản và cho phép người thuyết trình có thể linh hoạt tương tác với người nghe. Phiên bản thứ hai là những nội dung văn bản bổ sung để người nghe tiện theo dõi những phần thông tin không có trong phần thuyết trình.

5. Bỏ qua các kế hoạch dự phòng

Khi các nhà đầu tư xem xét có nên rót vốn vào một công ty khởi nghiệp hay không, họ có xu hướng nhìn mọi thứ với lăng kính là, làm cách nào họ có thể tối đa hóa lợi nhuận một cách hiệu quả nhất. Dù bạn nghĩ rằng mình đang cực kỳ tiềm năng để được cấp vốn, các nhà đầu tư có thể không nghĩ như vậy. Vì vậy, hãy xây dựng sẵn những kế hoạch dự phòng, kế hoạch B, C hoặc thậm chí là kế hoạch D, để giành được lợi thế khi thương lượng.

Ví dụ, một số kế hoạch dự phòng đó có thể là: những lựa chọn gọi vốn thay thế, một kế hoạch vận hành không cần gọi vốn, hoặc thậm chí là một kế hoạch M&A. Việc có sẵn những kế hoạch dự phòng này sẽ giúp bạn đàm phán các điều khoản tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sai lầm thương gặp khiến doanh nhân gọi vốn khởi nghiệp thất bại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO