UBND tỉnh Bình Thuận chính thức ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 575 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với Công ty Cổ phần Rạng Đông, liên quan đến sai phạm đất đai.
>>>Sai phạm đất đai tại Bình Thuận: Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận
Theo đó, ngày 22/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chính thức ra quyết định đình chỉ hoạt động, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Rạng Đông, liên quan đến sai phạm đất đai.
Cụ thể, Công ty Rạng Đông đã thực hiện 03 hành vi vi phạm hành chính gồm: Hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha vào mục đích khác khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực Dự án Rừng dầu Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc; Hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích từ 0,5 ha đến dưới 1 ha vào mục đích khác khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực Dự án nói trên; Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ TN&MT phê duyệt.
Căn cứ từ những vi phạm trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt 3 hành vi, tổng cộng 575 triệu đồng, cụ thể:
Hành vi 1: Phạt tiền ở mức trung bình khung tiền phạt với số tiền phạt là 45.000.000 đồng (Bốn mươi lăm triệu đồng); Hành vi 2: Phạt tiền ở mức trung bình khung tiền phạt với số tiền phạt là 80.000.000 đồng (Tám mươi triệu đồng); Hành vi 3: Phạt tiền ở mức trung bình khung tiền phạt với số tiền phạt là 450.000.000 đồng (Bốn trăm năm mươi triệu đồng).
(Áp dụng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ và khoản 1 Điều 5 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ).
Hình thức phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở 09 tháng theo quy định tại điểm b khoản 6
Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại điểm h khoản 10 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ.
>>>Bắt giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai
Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc Công ty Cổ phần Rạng Đông khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ; Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, với số tiền: 57.318.624 đồng theo quy định điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu chủ dự án phải rà soát lại sự phù hợp quy hoạch của dự án, cơ sở đã triển khai. Trường hợp đáp ứng yêu cầu thì phải lập dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường (dự án này bao gồm cả các hạng mục đã được triển khai, đưa vào vận hành) trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định.
Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Theo thông tin mà Diễn đàn Doanh nghiệp nắm được, Dự án Rừng dầu Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt từ tháng 6/2008. Về mục đích của dự án là bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số loài động vật quý hiếm (nhóm IB, IIB) và thông thường tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.
Dự án có quy mô khoảng 3.300 ha do Công ty Cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, kể từ ngày được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Mục tiêu của dự án là quản lý, bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh và phát triển rừng dầu, trong đó diện tích 1.645 ha đất rừng phòng hộ và 1.427 ha đất rừng sản xuất.
Sau khi được duyệt dự án, Công ty Rạng Đông đã lập khu bảo tồn thiên nhiên, nuôi thú hoang dã quý hiếm theo hình thức công viên động vật hoang dã Safari ở đây. Trong thời gian triển khai tại dự án này, công ty đã có hành vi chuyển mục đích đất khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Đáng chú ý, Dự án này cũng nằm trong danh sách các dự án đất đai, thương mại ở Bình Thuận mà Cơ quan điều tra Bộ Công an đang xác minh, điều tra.
Cụ thể, ngày 3/5, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có quyết định phân công Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cùng ngày, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành đã ký công văn gởi UBND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan tại Bình Thuận.
Theo đó đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến thực hiện các dự án; các văn bản pháp luật để áp dụng căn cứ tính thuế, chuyển mục đích sử dụng đất, mua bán chuyển nhượng đất theo giá thị trường kèm các hóa đơn, chứng từ thanh toán thực hiện các dự án theo chức năng nhiệm vụ.
Hàng loạt dự án được công an yêu cầu cung cấp hồ sơ như: Dự án Khu du lịch Hòn Lan (Tân Thành, Hàm Thuận Nam); hồ sơ chuyển nhượng Dự án sân golf Phan Thiết; dự án rừng dầu Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc; Dự án trường mầm non Lê Qúy Đôn, Phan Thiết; Dự án đất ở thương mại phường Phú Hài; Dự án Biển Quê Hương tại huyện Hàm Thuận Nam Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa Hưng Long...
Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cung cấp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình; lý lịch trích ngang, phân công chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo các sở ngành liên quan và cán bộ qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo, tham mưu, thức hiện các dự án; hồ sơ tài liệu tham gia phối hợp với các sở ngành tỉnh Bình Thuận thực hiện các dự án.
Có thể bạn quan tâm
03:40, 25/03/2022
00:44, 21/03/2022
17:30, 16/03/2022
22:25, 11/03/2022
21:00, 18/02/2022