Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận, để công bố kết luận liên quan đến những sai phạm đất đai.
>>Sai phạm đất đai tại Bình Thuận: Bộ Công an thực địa dự án lấn biển Hamubay Phan Thiết
Theo đó, ngày 24/3/2022, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tiến hành công bố các kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư (đoàn kiểm tra số 189) về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận trong hai nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, việc công bố kết luận các sai phạm đối với từng cán bộ thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận phải được hoàn thiện bằng một quy trình theo quy định do Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố.
Đáng chú ý, theo thông tin mà Diễn đàn Doanh nghiệp nắm được, kết luận kiểm tra của đoàn công tác dự kiến sẽ kiến nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư kỷ luật hơn mười cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận, trong đó có các nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo tỉnh đương nhiệm.
Trước đó, từ ngày 2-4/3/2022, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp và xem xét kết quả kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án... Một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin và vào cuộc từ đầu vụ việc, sau khi có những tờ trình “hoả tốc” về tham mưu của các sở ban ngành cho UBND tỉnh Bình Thuận, thì hàng trăm nghìn mét vuông "đất vàng", đất công tại trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận bỗng dưng rơi vào tay tư nhân một cách “bất thường”, khiến hàng trăm hộ dân "mất nhà, mất cửa"… thậm chí phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.
>>Vụ án "đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc
Điều đáng nói, tất cả các khu đất này chủ yếu có nguồn gốc là đất công, đất rừng… thông qua công tác giải tỏa (mồ mả, đất ở, nhà ở, đất rừng… của những người dân nghèo, đất quy hoạch làm trụ sở cơ quan hành chính), nhưng sau đó được chính quyền tỉnh Bình Thuận giao cho doanh nghiệp nhưng không thông qua đấu giá.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thực hiện còn lộ rõ những lỗ hổng, yếu kém của các cơ quan tham mưu trong việc áp dụng luật định, đối tượng ưu tiên, thậm chí là xuất hiện những dấu hiệu của việc "luật chưa thông”… nhưng “đất công đã loạn”.
Liên quan tới những “lùm xùm” về việc giao đất không thông qua đấu giá tại tỉnh Bình Thuận, ngày 18/11/2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo xung quanh những thông tin về bốn dự án trên địa bàn tỉnh được giao đất không qua đấu giá.
Theo đó, thông tin với báo chí tại buổi họp báo, đại diện chính quyền tỉnh Bình Thuận cho rằng: Tất cả các dự án trên đều nằm trong chương trình ưu đãi kêu gọi đầu tư của tỉnh và thuộc “địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn”. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, việc giao đất cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá đối với các dự án trên là đúng theo quy định của pháp luật? Tuy nhiên, ở phần nội dung trả lời báo chí của tỉnh Bình Thuận, ngay lập tức đã vấp phải những phản ứng và ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan báo chí với nhiều câu hỏi xoay quanh các dự án, thế nhưng địa phương vẫn bảo vệ quan điểm vì cho rằng chính quyền không làm sai.
Ngày 10/2/2022, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Cùng đó, công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người cùng về tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
00:44, 21/03/2022
17:30, 16/03/2022
22:25, 11/03/2022
00:06, 05/03/2022
21:00, 18/02/2022
00:06, 18/02/2022
04:10, 17/02/2022