Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ II): Luật chưa thông, đất công "tất loạn"

LÊ SÁNG 22/07/2020 11:01

Những cán bộ sai phạm đã bị đưa ra ánh sáng và phải trả giá cho sai phạm nhưng thiệt hại và nỗi đau cùng nước mắt của người dân sẽ còn ám ảnh bởi những “điểm đen" cơ chế còn đó.

Đại đô thị Sài Gòn - Tp.HCM cũng là

Đại đô thị Sài Gòn - TP.HCM là "cái nôi" của hàng loạt sai phạm liên quan đến đất vàng công sản

TP.HCM, “hòn ngọc viễn đông”, đại đô thị dẫn đầu cả nước về sự phát triển, phồn hoa và đô hội cũng đang là nơi cư ngụ của những người dân đã dành cả thanh xuân hơn 2 thập kỷ đi đòi lại công lý khi mảnh đất “cắm dùi” của họ bị tước đi.

Hô biến có quy trình

Cuối năm 2018, dư luận xôn xao việc các hộ dân, đa phần là đảng viên, cán bộ hưu trí của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) có đơn gửi nhiều nơi tố Công ty Việt Hân Sài Gòn (VHSG) - chủ đầu tư dự án Tổ hợp cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê trên khu đất vàng hơn 6.000m2 ở trung tâm quận 1, TP.HCM, áp giá đền bù rẻ mạt khiến người dân không đủ chi phí di dời tái định cư nơi khác.

Ngay sau khi người dân có đơn thư cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc, hàng loạt nghi vấn liên quan đến sai phạm liên quan đến lịch sử chuyển nhượng, mua bán, phù phép đất công thành tư nhân giá rẻ để trục lợi bắt đầu lộ diện. Sức nóng của dư luận về vụ việc khiến Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc, phối hợp cùng 3 bộ ngành liên quan xác minh làm rõ các vấn đề khuất tất. 

Quyết liệt là vậy song kết quả thiết thực từ những chỉ đạo đó đến nay vẫn chưa có. Người dân lại phải tiếp tục có nhiều đơn thư, kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương nhờ hỗ trợ.

Trường hợp khác, hàng chục hộ dân sống trong Khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (Quận 1, TP HCM) kêu cứu vì doanh nghiệp đền bù giá đất rẻ mạt so với giá thị trường. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kêu cứu tới các cơ quan chức năng, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết.

Lần lượt, nhiều mảnh đất vàng tại TP.HCM đã được “hô biến” rất theo quy trình để trở thành sở hữu tư nhân với giá trị thấp hơn thực tế rất nhiều lần. Những nhóm lợi ích này đã gây thất thoát ngân sách nhà nước nhiều ngàn tỷ đồng.

Không dừng lại ở việc “vẽ quy hoạch” để thu hồi đất trái phép mà hàng loạt mảnh “đất vàng” công sản vốn thuộc sở hữu của các Bộ ngành, thậm chí đất quân sự cũng được “hô biến” theo những quy trình riêng, với sự đồng thuận từ trên xuống dưới để biến thành sở hữu tư nhân với giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế.

“Nguồn cơn” của những sai phạm nối tiếp nhau trong thời gian dài vừa qua được Bộ Công an chỉ rõ nguyên nhân từ việc các bộ ngành đã chi phối quyền lực gần như tuyệt đối, buông lỏng quản lý... khi có ít nhất 5 khu đất "vàng" bị nhóm lợi ích dịch chuyển từ tài sản thuộc sở hữu nhà nước sang tay doanh nghiệp.

"Hố đen" cơ chế

Đơn cử, liên quan đến sai phạm của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm, Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân hơn 6.000 m2 đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) rơi vào tay tư nhân xuất phát từ việc quản lý, điều hành vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco (trực thuộc Bộ Công thương được giao quản lý khu đất) còn nhiều "lỗ hổng" để liên minh “công-tư-doanh” lợi dụng việc này, lách luật để thâu tóm đất công.

Theo đó, lộ trình “hô biến” đất vàng tại 2-4-6 Hà Bà Trưng được thông qua trình tự chỉ đạo, báo cáo, đề xuất giữa lãnh đạo Bộ Công thương với bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN) tại Sabeco. Lộ trình này mang nặng tính "xin - cho" trong khi BPQLVNN dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Sabeco nhưng lại phải chịu sự chỉ đạo, chi phối và quyết định gần như tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Công thương.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công thương và các đơn vị chuyên môn không bám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có chức năng chính là quản lý nhà nước. Qua điều tra, Bộ Công an đã kết luận sự bất hợp lý trên đã dẫn đến Bộ Công thương không quản lý hiệu quả tài sản, dẫn đến làm lãng phí vốn nhà nước.

Về lỗ hổng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng nhận định việc tiếp cận đất đai ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với Nhà nước. Theo đó, ai có quan hệ và biết cách quan hệ với Nhà nước để nắm được nguồn đất và quy hoạch thì có thể chớp thời cơ mua đất rẻ và bán giá cao gấp trăm lần.

Nhiều chuyên gia tài chính và pháp lý thừa nhận chính nguồn lợi nhuận “siêu to khổng lồ” mà đất “vàng” có thể mang lại đã là hành lang cho liên minh “công-tư-doanh” hình thành và cắm "chân rết" của mình khắp nơi.

Nhiều khu đất công sản không chỉ tại TP.HCM đã bị tư nhân thâu tóm một phần là do các cơ quan quản lý đã buông lỏng giám sát, thậm chí “tiếp tay”, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để lách luật, thực hiện các thủ đoạn liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng các quy định để từng bước dịch chuyển quyền sở hữu tài sản.

Chia sẻ nhận định trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng một bộ phận cơ quan quản lý hiện thời đang không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong công tác quản lý, đằng sau đó còn tồn tại lợi ích nhóm. Do đó, họ cũng không mất nhiều công sức để “thập diện mai phục”, luồn lách cửa sau và lấy đất “vàng” về tay một cách dễ dàng.

Bài 3: Những hậu quả chưa thể đong đếm

Có thể bạn quan tâm

  • Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ I): Mô típ liên minh “công-tư-doanh”

    Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ I): Mô típ liên minh “công-tư-doanh”

    11:00, 20/07/2020

  • Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố vì bán rẻ

    Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố vì bán rẻ "đất vàng"?

    21:48, 10/07/2020

  • TP.HCM: Nhà đầu tư gặp khó tại 2 dự án

    TP.HCM: Nhà đầu tư gặp khó tại 2 dự án "đất vàng"

    11:52, 21/07/2020

  • Số phận hai lô

    Số phận hai lô "đất vàng" của Đường sắt Việt Nam sẽ đi về đâu?

    11:00, 07/07/2020

  • 34.000 m2 đất vàng bị

    34.000 m2 đất vàng bị "xẻ thịt" cho thuê tại Hà Nội: Seaprodex nói gì?

    08:00, 01/07/2020

  • Vicem: Xin chuyển “đất vàng” trước khi cổ phần hóa

    Vicem: Xin chuyển “đất vàng” trước khi cổ phần hóa

    04:16, 11/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ II): Luật chưa thông, đất công "tất loạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO