Sự suy giảm sản lượng của Samsung tác động trực diện tới nền kinh tế Việt Nam, bởi lẽ tập đoàn này đang đóng góp xấp xỉ 25% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Theo con số thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2% YoY, thấp hơn mức tăng 13,7% year over year - YoY cùng kỳ năm 2018. Trong khi công nghiệp chế biến – chế tạo và sản xuất, phân phối điện tăng trưởng chậm lại, ngành khai khoáng thu hẹp quy mô chủ yếu do khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm.
Liên quan tới ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất kim loại, dệt may và lọc hóa dầu đang trở thành động lực chính, bù đắp một phần vai trò của Samsung. Cụ thể, ngành công nghiệp dệt, sản xuất trang phục, sản xuất giày dép ghi nhận tăng trưởng lần lượt là 9,6% YoY, 10,4% YoY, và 7,4% YoY.
Nhìn chung, khối lượng đơn hàng xuất khẩu tăng cao đang là động lực chính của khu vực này. Doanh thu xuất khẩu dệt may và giày dép đã tăng lần lượt là 19% và 18,4% YoY trong các tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, sự phát triển của ngành dệt may đã và đang đóng góp rất lớn vào kết quả thặng dự thương mại và tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất kim loại tăng 35,8% YoY, cao hơn mức 21,1% YoY cùng kỳ năm trước do lò luyện thép số 2 của Formosa đi vào hoạt động từ giữa tháng 5/2018. Ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ và tinh chế tăng trưởng 79% YoY nhờ nhà máy lộc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Do đó, nhập khẩu dầu thô cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh đặt 694 triệu USD, tăng 16,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tất cả điều đó chưa đủ để mang đến một kết quả tăng trưởng kinh tế tốt hơn cùng kỳ do thành tích tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Samsung. Hiện tại, hoạt động sản xuất của Samsung đang có dấu hiệu suy giảm.
Đây chắc chắn không là chuyện của riêng của nhà Samsung. Sự suy giảm sản lượng của tập đoàn này tác động trực diện tới nền kinh tế Việt Nam, bởi lẽ tập đoàn này đang đóng góp xấp xỉ 25% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Số lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu vừa trải qua một năm giảm sút mạnh sau 2 năm lình xình không bứt phá. Xu hướng này của Samsung bắt đầu từ cuối năm 2017 và xuyên suốt cả năm 2018. Báo cáo từ hai hãng nghiên cứu thị trường IDC và Strategy Analytics đều chỉ ra doanh số smartphone Samsung giảm khoảng 13% trong quý 3/2018, sau khi giảm 10% quý 2, 2% quý 1 và 4% quý 4/2017.
Con số xuất nhập khẩu của Việt Nam những tháng cuối năm 2018 cũng phản ánh xu hướng trên. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong quý 4/2018 của nhóm hàng điện thoại và linh kiện mà Samsung chiếm tới 99% đã giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Sang đầu tháng 1/2019, con số nhập khẩu lại giảm tiếp 12% dừng ở mức 1,4 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học chỉ tăng 5,2% YoY trong 2 tháng đầu năm 2019, thấp hơn nhiều mức 38,3% YoY cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng giảm 7,3% YoY. Sản xuất điện thoại linh kiện giảm đã ảnh hưởng đến người lao động khi 2 tỉnh thành mà Samsung có nhà máy ghi nhận lượng lao động giảm, Thái Nguyên giảm 4% YoY và Bắc Ninh giảm 6,4% YoY.
“Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới kết quả tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và khả năng sẽ thấp hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa. Cán cân thương mại, dù vẫn được kỳ vọng sẽ thặng dư trong năm 2019, có thể sẽ thu hẹp do nhu cầu nhập khẩu dầu thô và máy móc phục vụ cho các dự án lớn của Vingroup, Thaco và hoạt động đầu tư công” – VDSC nhận định.
Tuy nhiên, nhóm này cũng cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ kêu gọi Ngân hàng Nhà nước (SBV) mở tín dụng và giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên ngay tháng 3 sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý sau trong môi trường lạm phát thấp và được kiểm soát.
Các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.