Tháng 11 năm nay, Samsung Electronics sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV cuối cùng ở Trung Quốc và chuyển dây chuyền đến Việt Nam, Mexico cùng một số địa điểm khác.
Tờ Nikkei Asian Review vừa thông tin Samsung thông báo sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV của hãng này tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) vào cuối tháng 11 năm nay. Động thái này của Samsung là một phần trong xu thế lớn hơn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đó là lộ trình di dời chuỗi cung cấp của họ ra khỏi "công xưởng của thế giới" Trung Quốc.
Samsung là nhà sản xuất và phân phối TV màn hình phẳng hàng đầu thế giới. Công ty đang mất thị phần tại Trung Quốc do cạnh tranh đến từ các công ty địa phương. Chi phí lao động cũng đang gia tăng ở Trung Quốc.
Nhà máy Thiên Tân bắt đầu hoạt động vào năm 1993, hiện còn sử dụng khoảng 300 nhân sự sau nhiều đợt cắt giảm quy mô. Samsung có kế hoạch phân công lại những công nhân này cho các cơ sở khác hoặc giúp họ tìm việc làm mới.
Vào thời điểm cuối năm 2019, Samsung cũng đã đóng cửa các nhà máy smartphone của họ ở hai thành phố Thiên Tân và Huệ Châu. Tháng 6 năm nay Samsung cho biết sẽ dừng hoạt động một nhà máy sản xuất máy tính ở Tô Châu. Hiện tại Samsung vẫn đang duy trì một nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng tại Tô Châu và hai nhà máy sản xuất chip tại Tây An.
Tờ Reuters đưa tin, việc đóng cửa nhà máy sản xuất tivi tại Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của công ty nhằm tái cấu trúc các cơ sở trên toàn cầu. Nhà máy tại Thiên Tân cũng là một trong những dự án đầu tư ở nước ngoài quan trọng nhất của Samsung, chủ yếu sản xuất ti vi LCD, mô-đun LC và một số sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Thực tế, thị phần của thương hiệu này bắt đầu giảm từ năm 2013 sau 20 năm đầu tư nhà máy Thiên Tân. Nguyên nhân là do thị phần TV của Samsung bị các nhà sản xuất thương hiệu Trung Quốc xói mòn, doanh số liên tục giảm. Năm 2019, lượng tiêu thụ TV Samsung tại thị trường Trung Quốc chỉ hơn 1 triệu chiếc, chiếm khoảng 2%.
Hãng điện tử Samsung được xem là đã châm ngòi cho làn sóng các công ty Hàn Quốc rút dần các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc do tình hình kinh doanh không thuận lợi. Khi vào tháng 4/2018, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất màn hình tivi tinh thể lỏng ở Thâm Quyến.
Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc bao gồm Hyundai Motor, Kia Motors và LG đang rút dần dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nước này, vốn khiến họ dễ tổn thương khi nhiều khó khăn ập đến cùng một lúc: sự cạnh tranh đến từ các công ty địa phương, căng thẳng địa chính trị và những cơn gió ngược của nền kinh tế thế giới.
Điểm đến trong cuộc di dời của Samsung theo thông báo thì hoạt động sản xuất từ nhà máy này sẽ chuyển sang Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và các nơi khác. Công ty cho biết, động thái này giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của Samsung hiệu quả hơn.
Nói như vậy có nghĩa là Việt Nam cũng là một trong những đích đến của "ông lớn" công nghệ này. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Thực tế cho thấy hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang...
Đại diện Samsung đã từng khẳng định Việt Nam tiếp tục là cứ điểm quan trọng để sản xuất và xuất khẩu điện thoại trên toàn cầu cho Samsung. Hiện Samsung đã đầu tư gần 20 tỉ USD và liên tục mở rộng các dự án tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
“MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Chuyển dịch đầu tư là chuyển dịch công nghiệp hỗ trợ
15:00, 26/07/2020
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA giúp Việt Nam thu hút chuyển dịch đầu tư
09:44, 09/06/2020
[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ IV) Cuộc chiến định hình lại bản đồ chuỗi cung ứng
00:30, 21/02/2020
[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ 3): Điểm đến của những cuộc tháo chạy?
01:13, 20/02/2020
[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ 2) Hàng loạt cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc chưa hẹn ngày trở lại
02:03, 19/02/2020