Như DĐDN đã thông tin, dự thảo Nghị định mới nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng mức chủ sở hữu vốn điều lệ từ 30% lên 49%.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không chỉ mang theo tiền mà còn cả kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ, mạng lưới, giá trị thương hiệu cho các hãng bay Việt .“Hồn Việt, da nước ngoài”?
Cuối tháng 6/2018, người viết có cơ hội trao đổi với một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Doanh nhân này cho biết, ngoài triết lý làm du lịch và các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, thì điểm thuận lợi nhất của công ty ông là có một hãng hàng không riêng. Nhưng hãng hàng không của doanh nhân này lại không có tiếng tăm ở thị trường Việt Nam. Lý do đơn giản bởi vì các thủ tục để thành lập một hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam quá nhiêu khê, phức tạp và chắc chắn là bất khả thi đối với một doanh nhân không biết “đi cửa sau” như ông. Trong khi đó nhu cầu đi lại thuận tiện của khách du lịch từ các thị trường Đông Âu là rất lớn.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nhân ấy đã đi một nước cờ táo bạo trong kinh doanh. Đó là thành lập một hãng hàng không tại Nga. Thế là việc chuyên chở du khách từ Nga và các nước đến Việt Nam chẳng những thuận lợi, mà doanh nhân này còn gần như bao trọn gói mỗi tour du lịch cho các du khách. Mới đây nhất, doanh nhân này ký hợp đồng thuê thêm hàng chục máy bay khác để mở rộng kinh doanh.
Nhưng vấn đề không nằm ở đó. Có lẽ, cũng như các công ty khởi nghiệp, một số công ty xuất nhập khẩu đã từng phải sang Singapore lập nghiệp, doanh nhân nói trên đã phải sang Nga để thành lập hãng hàng không chỉ vì những quy định rối rắm ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra, tại sao nhiều nước có thể sẵn sàng cho phép các công ty nước ngoài liên kết, thành lập hãng hàng không trong khi Việt Nam thì ngay cả những công ty trong nước có thiện chí và tiềm lực cũng khó khăn như vậy?
Cứ cho là các công ty Việt Nam có đủ tiềm lực để tham gia thị trường hàng không là chưa nhiều. Thế nhưng, một vấn đề khác nổi lên là việc các hãng hàng không nước ngoài cũng chưa thể tham gia thị trường hàng không Việt Nam một cách thực sự.
Mở cửa, chỉ bầu trời thôi chưa đủ
Mới đây, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP đang dự tính cho phép nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng mức chủ sở hữu vốn điều lệ tại các hãng hàng không Việt từ 30% lên 49%.
Theo dự thảo, với hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải có ít nhất một cá nhân Việt hoặc một pháp nhân Việt giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân đó.
Có thể bạn quan tâm
11:22, 25/07/2018
17:14, 20/07/2018
19:20, 18/07/2018
03:47, 14/07/2018
16:41, 11/07/2018
06:03, 08/07/2018
Việc nới “zoom” cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hàng không Việt Nam, theo lời TS Lương Hoài Nam, thực chất là quay trở lại quy định của Luật Hàng không trước đây. Bởi trong quá khứ, quy định nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 49% cổ phần tại các hãng hàng không Việt Nam đã được ban hành. Hẳn nhiên, nếu Chính phủ ban hành nghị định nói trên, cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 49% cổ phần tại các hãng hàng không Việt Nam, thì chắc chắn đây sẽ là một “lực hút” hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong các lĩnh vực khác, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển và làm cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước diễn ra nhanh hơn, thực chất hơn.
Thế thì việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần các hãng hàng không có lẽ cũng sẽ mang lại những giá trị tích cực. Bởi lẽ, khi nắm giữ 49%, thì cũng có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài “có quyền” đối với các hãng hàng không của Việt Nam. Khi đó, năng lực quản trị, văn hóa kinh doanh, giá trị thương hiệu được nâng cao, thị trường của các hãng hàng không cũng được mở rộng. Và quan trọng hơn, hàng không Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn, thế độc quyền sẽ bị giảm đi và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Thực tế hiện nay, vẫn có những nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào các hãng hàng không Việt. Điều ấy cũng có nghĩa rằng: với quy định nắm giữ 30% cổ phần mà các nhà đầu tư nước ngoài còn có thể đầu tư. Vậy việc nâng tỉ lệ sở hữu lên tới 49% cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn thu hút đầu tư đến mức nào? Mặt khác, một số doanh nhân Việt có thể ra nước ngoài liên kết, thành lập hãng hàng không thì tại sao họ không được khuyến khích, tạo điều kiện để có thể liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để thành lập hãng hàng không trên chính quê hương mình? Câu trả lời chắc không khó lý giải.