Việt Nam nên có một sàn giao dịch xăng dầu, tuy nhiên, nó phù hợp với thị trường ra sao thì phải tùy theo quy định, cách sự vận hành của sàn giao dịch như thế nào trong tương lai.
>>Đề xuất cấm thương nhân phân phối xăng dầu mua của nhau: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Ngày 18/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 5124/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Theo Văn phòng Chính phủ, một số chuyên gia cho rằng cần xem xét áp dụng mô hình sàn giao dịch xăng dầu để minh bạch và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp.
Việc thành lập sàn kinh doanh xăng dầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Khi sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng dầu.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là cần thiết. Bởi sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như hợp đồng, hợp đồng phái sinh sẽ tốt hơn. Và lợi ích cuối cùng, đó là sàn giao dịch xăng dầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch khác cũng như thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, dịch vụ tài chính ngân hàng, chứng khoán…
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho rằng nên có sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, sàn giao dịch phải cho phép được giao dịch mua bán tự do và có thể tính đến việc người bán lẻ có được quyền mua của nhiều nhà cung cấp. Từ đó, khuyến khích các nhà đầu mối phân phối tìm cách dự trữ xăng dầu tốt nhất.
“Như vậy, dù giá xăng dầu thế giới có biến động vẫn có thể bán ra với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với những nhà phân phối khác, góp phần tạo ra sự cạnh tranh để giá xăng đầu thấp hơn mà không đẩy giá lên cao ngay khi giá thế giới tăng”. – Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phân tích, hiện thế giới chỉ có hai sàn giao dịch xăng dầu tiêu biểu thành công là Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn giao dịch London cho dầu thô Brent.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, lý do thành công là hai sàn này tạo ra được sân chơi đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán… Ngay cả Trung Quốc, thị trường xăng dầu lớn thứ hai thế giới, trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy nhưng không thành công.
Ông Hùng cho rằng, nếu Việt Nam thành lập sàn giao dịch xăng dầu, sàn này sẽ không thể hoạt động độc lập với các sàn của thế giới. Nguyên nhân là bởi dù Việt Nam là nước có xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Do vậy, giá trong nước không thể độc lập so với thế giới, trong khi đó, cơ chế hiện nay vẫn là Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu. “Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn”, ông Hùng nói.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một sàn giao dịch đều có một tác động nhất định trên thị trường. Cụ thể, tất cả những thông tin về giao dịch, những người tham gia, giá cả được thể hiện trên sàn giao dịch và những thông tin đó biến động từng giờ, từng phút. Qua đó, tất cả những thành phần giao dịch, thành phần tham gia thị trường cũng như những thành phần không tham gia thị trường đều sẽ nắm bắt được những thông tin để truy cập, nghiên cứu.
Có thể nói đây là một điều hết sức tích cực, tuy nhiên liệu rằng sàn giao dịch xăng dầu ở Việt Nam những tác động tích cực hay không còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Bởi lẽ khi lập sàn giao dịch xăng dầu sẽ đòi hỏi hạ tầng cơ sở và có những quy định trên sàn giao dịch đó.
Sàn giao dịch xăng dầu khi phát triển sẽ tạo ra một thị trường rất là thông thoáng. Thị trường xăng dầu tại Việt Nam được điều chỉnh bởi Chính phủ, khi đưa một thị trường như thế lên sàn giao dịch sẽ thể hiện ra được nhiều vấn đề kể cả Chính phủ đang kiểm soát như thế nào, giá xăng dầu trên thế giới ra sao thành ra sẽ mở ra một hướng đi mới cho sự phát triển thị trường xăng dầu.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đây không thể coi là một giải pháp có thể giải quyết được hết những vấn đề của thị trường xăng dầu. Tuy nhiên có thể là một cơ sở để các thành phần kinh tế biết được giá xăng dầu được điều chỉnh và vận hành như thế nào. Từ đó, các thành phần kinh tế sẽ điều chỉnh hành vi của họ.
Những tín hiệu tích cực sẽ xảy ra nhưng không phải một sớm một chiều. Những điều làm trở ngại một sàn giao dịch đó là chi phí đầu tư, những quy định để vận hành, những điều đó cần thời gian. Ta có thể coi đây là một khởi đầu của một quá trình minh bạch hóa, thông thoáng hóa thị trường xăng dầu từ đó điều chỉnh các hành vi của thành phần kinh tế.
“Theo tôi, có lẽ thời điểm ban đầu chúng ta chưa thể kỳ vọng sàn giao dịch sẽ có những kết quả như mong muốn. Bởi lẽ mục đích của sàn giao dịch xăng dầu là những thông tin về thị trường xăng dầu được minh bạch, cập nhật từng giây, từng phút từ đó sẽ điều chỉnh hành vi của các thành phần kinh tế. Những giao dịch đó cũng sẽ được thực hiện một cách minh bạch, các thành phần kinh tế cũng có thể từ đó rút ra được kết luận về dòng tiền cũng như sự vận chuyển của hàng hóa”. – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 01/08/2024
11:00, 31/07/2024
14:45, 30/07/2024
14:42, 30/07/2024