Những quy định trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử đang có nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn làm cản đường nhà đầu từ tham gia vào lĩnh vực này.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử (Dự thảo) vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến. Tuy nhiên, nếu không được sửa đổi thì những quy định tại Dự thảo này sẽ làm cản đường các nhà đầu tư.
Theo khoản 5 Điều 67c của Dự thảo, Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan. Tuy nhiên, từ góc nhìn của nhà đầu tư, thì quy định này lại vô cùng bất cập nếu nhà đầu tư làm theo thủ tục đầu tư.
Theo đó, doanh nghiệp/nhà đầu tư đã phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (có tham vấn ý kiến Bộ Công Thương) nên việc tiếp tục phải xin ý kiến Bộ Công Thương khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp (ngay cả thay đổi thông thường như tên hay địa chỉ doanh nghiệp cũng có thể cần phải hỏi ý kiến của Bộ Công Thương), và gây sự bất an cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.
Việc chấp thuận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thì việc hỏi lại ý kiến Bộ Công Thương khi điều chỉnh đăng ký/giấy phép có thể mang tính chồng chéo và gây xung đột vì chức năng cấp phép đầu tư thuộc cơ quan đăng ký đầu tư.
Khoản 2(c) Điều 67 của Dự Thảo cũng quy định các doanh nghiệp chi phối 01 trong 05 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ TMĐT theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tuy nhiên, khái niệm “chi phối” có điểm trùng lặp với quy định của Luật Cạnh tranh, và một hành vi (chẳng hạn như nhà đầu tư nước ngoài mua 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp) có thể làm cho doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc 02 thủ tục thẩm định riêng biệt theo Dự thảo (ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), và Luật Cạnh tranh (Thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Trực thuộc Bộ Công Thương). Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến hoạt động vận hành hàng ngày của doanh nghiệp như kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc quyền quyết định ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp… cũng có thể phải thông qua thủ tục thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Khoản 2(c) Điều 67c của Dự thảo còn giới hạn việc tiếp cận thị trường ở quy định chỉ có “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ” mới được phép tiếp cận thị trường TMĐT tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ việc giới hạn ở “Công ty công nghệ uy tín toàn cầu” là tiêu chí mang tính chủ quan, với các tiêu chí không rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử, khiến cho nhiều nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc trong các lĩnh vực không phải là lĩnh vực công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam, tức gây sự bất bình đẳng cho chính các nhà đầu tư đến từ khu vực ASEAN hoặc các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có đầu tư hoặc đóng góp về vốn ODA lớn cho Việt Nam. Hơn nữa, việc hạn chế chỉ có những “Công ty công nghệ” có uy tín cũng loại bỏ một nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực từ nước ngoài là các Quỹ đầu tư hiện đang có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực TMĐT, ngoài yếu tố công nghệ thì tiềm lực tài chính cũng là một trong những vấn đề mang tính quyết định. Học hỏi kinh nghiệm từ nước láng giềng khu vực, Indonesia, đã mở cửa thị trường TMĐT của mình từ năm 2016 với nhiều chính sách mang tính thiết thực (ví dụ: nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ 100% vốn trong doanh nghiệp nếu đầu tư ít nhất 100 tỉ IDR (tương đương 6,67 triệu USD) hoặc tạo ít nhất 1.000 việc làm mới cho lao động bản địa thông qua việc đầu tư trực tiếp). Đây cũng có thể là một kinh nghiệm hay để Việt Nam học hỏi vừa có thể tiếp nhận được nguồn lực dồi dào từ các nhà đầu tư nước ngoài, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước.
Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng mình được quyền tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập bởi Nghị định 52/2013, Luật Đầu tư 2014. Với quy định trong Dự thảo thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ đã được thiết lập trước đó. Dự thảo cũng đặt các nhà đầu tư nước ngoài đứng trước rủi ro có khả năng mất một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư tại Việt Nam nếu không thể thoái vốn cho một bên thứ ba do các rào cản về đầu tư nước ngoài đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sàn TMĐT vẫn đang trong tình trạng lỗ với số lỗ năm sau cao hơn năm trước và một số doanh nghiệp đã phải tính đến phương án mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để tiếp tục có vốn hoạt động.