Kinh tế thế giới

Sản xuất "chạm đáy" gần 2 năm, Trung Quốc sẽ hành động ra sao?

Nam Trần 01/05/2025 11:09

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 4/2025, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Các tác động từ thuế quan góp phần khiến chỉ số sản xuất của Trung Quốc chậm lại tháng 4 vừa qua (Ảnh: MSA Advisory)

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/4, chỉ số PMI của nước này chính thức giảm xuống còn 49,0 – lần đầu tiên rơi vào vùng suy thoái (dưới ngưỡng 50) kể từ tháng 1 năm nay. Mức này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng 49,8 của các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters.

Tác động của thuế quan

Sự suy giảm này diễn ra sau tháng 3 sôi động, khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đẩy mạnh giao hàng ra nước ngoài nhằm tránh các mức thuế mới do Mỹ áp đặt. Tuy nhiên, đà phục hồi ngắn ngủi nhanh chóng bị thay thế bởi loạt số liệu cho thấy cầu tiêu dùng và sản xuất yếu đi rõ rệt. Các chỉ số phụ cho sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm lần lượt xuống 49,8 và 49,2, trong khi giá nguyên liệu và giá bán ra cũng tiếp tục giảm mạnh.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng, hoạt động thương mại song phương bị gián đoạn nghiêm trọng. Theo Morgan Stanley, số lượng tàu container chở hàng từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách thuế “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế lên 145% với hàng hóa Trung Quốc, khiến tổng mức thuế một số mặt hàng lên đến 245%. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp mức thuế mới lên tới 125% với hàng nhập từ Mỹ.

Zhao Qinghe, chuyên gia cấp cao tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết sự suy giảm của ngành sản xuất là hệ quả của những "biến động mạnh mẽ từ môi trường bên ngoài". Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp chính sách kinh tế trong nước với quản lý xung đột thương mại quốc tế, đồng thời tập trung vào việc bảo vệ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định thị trường.

Trong khi chỉ số PMI sản xuất sụt giảm, chỉ số PMI phi sản xuất (bao gồm dịch vụ và xây dựng) cũng giảm nhẹ xuống còn 50,4 trong tháng 4 từ mức 50,8 của tháng trước. Riêng mảng dịch vụ có chút khởi sắc về việc làm, song vẫn ở mức co hẹp với chỉ số lao động ở mức 46,8.

Tăng cường bằng các gói hỗ trợ?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cú sốc từ thuế quan có thể đang bị phóng đại do yếu tố tâm lý tiêu cực lan rộng, nhưng thực tế vẫn cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn từ nhu cầu bên ngoài suy yếu. Zichun Huang – chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics – nhận định dù chính phủ đang đẩy mạnh hỗ trợ tài khóa, điều này có thể không đủ để bù đắp hoàn toàn tác động tiêu cực.

Các quan chức Trung Quốc đã lên kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với các nguy cơ thuế quan toàn cầu (Ảnh: The New York Times)
Các quan chức Trung Quốc lên kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ trong thời gian tới (Ảnh: The New York Times)

Dự báo của Capital Economics cho thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2025 có thể chỉ đạt 3,5%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu "khoảng 5%" đã đề ra. Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định “hoàn toàn tự tin” vào khả năng đạt được mục tiêu này, nhất là khi quý I/2025 đã ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 5,4% – phần lớn nhờ đợt tăng tốc xuất khẩu trước thời điểm thuế Mỹ có hiệu lực.

Theo Dan Wang, Giám đốc khu vực Trung Quốc tại Eurasia Group, để bù đắp thiệt hại kinh tế, chính phủ nước này có thể cần bổ sung ít nhất 2.000 tỷ nhân dân tệ vào gói chi tiêu tài khóa. Ông dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm tới một nửa trong năm nay, kéo theo mức giảm 2% GDP.

Về phía Mỹ, chính quyền ông Trump cũng đang có một số động thái giảm nhẹ căng thẳng, khi mới đây ký sắc lệnh miễn áp thuế bổ sung cho ô tô và linh kiện nhập khẩu, sau khi đã gỡ thuế với một số sản phẩm điện tử như điện thoại và máy tính. Trung Quốc cũng đã miễn thuế cho một số mặt hàng của Mỹ như dược phẩm, thiết bị hàng không, chất bán dẫn và khí ethane.

Tuy vậy, theo ước tính của ngân hàng Nomura, khoảng 2,2% GDP của Trung Quốc hiện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế 145% của Mỹ, và có đến 9 triệu việc làm trong ngành sản xuất đang đứng trước nguy cơ. Trong một cuộc họp chính sách kinh tế tuần trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động nặng nề từ chiến tranh thương mại, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sản xuất "chạm đáy" gần 2 năm, Trung Quốc sẽ hành động ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO