Sắp có khuôn khổ pháp lý dành cho tiền “ảo”?

Nguyễn Long 06/01/2018 08:34

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến ngày 30/1/2018 phải báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ về khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền “ảo” tại Việt Nam.

Sắp có khuôn khổ pháp lý dành cho tiền “ảo”?

Sắp có khuôn khổ pháp lý dành cho tiền “ảo”?

Có thể bạn quan tâm

  • Chiêu trò huy động vốn từ tiền ảo Việt

    Chiêu trò huy động vốn từ tiền ảo Việt

    16:30, 03/01/2018

  • Mã độc "đào tiền ảo" qua Facebook có khả năng lấy cắp mật khẩu

    16:23, 21/12/2017

  • Không nên đầu tư tiền ảo theo phong trào...

    10:31, 13/12/2017

  • Đã có chế tài quản lý sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo

    07:12, 29/10/2017

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1/2018.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017. Thời hạn được đưa ra trước ngày 30/1/2018 Bộ Tư pháp và NHNN phải có báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Với Đề án, nhiều nhà đầu tư bitcoin hay các đồng tiền điện tử đã hy vọng rằng sẽ có thể công khai giao dịch trên các sàn như sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng Chính phủ sẽ thừa nhận và bảo hộ cho Bitcoin trong tương lai khi đề án này được hoàn thiện, triển khai.

Tuy nhiên, quan điểm của phía NHNN từ trước đến nay vẫn khẳng định bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Hiện nay, quy định mới nhất có hiệu lực liên quan đến tiền kỹ thuật số, tiền “ảo” đó chính là bắt đầu từ 1/1/2018, mọi hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 206 BLHS 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây được xem là bước đi đầu tiên trong việc quản lý của Chính phủ đối với tiền ảo.

Liên quan đến vấn đề quản lý các loại tiền “ảo”, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính đã đề xuất: “Cần có quy định chặt chẽ về việc cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền ảo. Theo đó, các sàn giao dịch phải đảm bảo được đăng ký theo Luật DN, phải có vốn hóa, có địa chỉ, có ban quản lý,… nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch. Như vậy sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư và các cơ quan liên quan có thể dễ dàng quản lý, phòng chống rửa tiền”.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: “Cấp thiết hiện nay cần có một cơ chế quản lý hợp lý bởi tiền kỹ thuật số đang là xu thế thanh toán trên toàn cầu, chúng ta cần phải có những chính sách quản lý hiệu quả. Đặc biệt cần cảnh báo cho người dân biết về rủi ro khi đầu tư vào tiền kỹ thuật số, khi hiện nay có rất nhiều người đang đầu cơ bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác”.

Thực tế, dù không được xem là phương tiện thanh toán nhưng với sự tăng/giảm giá liên tục trong thời gian ngắn, tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống xã hội của người dân. Rủi ro khi đầu tư vào bitcoin là điều nhãn tiền, bởi chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, bitcoin đã có đợt lao dốc gây choáng váng trên thị trường. Khi có thời điểm bitcoin đã đạt đỉnh 20.000 USD/BTC nhưng sau đó giảm xuống còn 16.000 USD.

Mặc dù đã có quy định xử  lý hình sự đối với các giao dịch tiền kỹ thuật số nhưng nó vẫn chưa có đủ sức nặng, bởi hiện nay các giao dịch vẫn tồn tại và công khai trên các sàn giao dịch trên mạng. Chính vì thế, nhiều người  kỳ vọng tới cuối tháng 1 này sẽ có một khuôn khổ pháp lý đi vào chiều sâu để có thể quản lý tiền kỹ thuật số một cách hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho cả người dân và nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sắp có khuôn khổ pháp lý dành cho tiền “ảo”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO