Vị thế bán trên thị trường tiền điện tử cho thấy, cuộc đấu tranh để Bitcoin vượt qua mức 100.000 USD có thể rất căng thẳng và dễ bị "tổn thương" trước những thông tin tiêu cực.
Thị trường thanh lý mạnh
Theo dữ liệu từ CoinGlass, Bitcoin (BTC) đã giảm nhẹ sau khi không thể vượt qua mốc 100.000 USD/BTC vào ngày 24/11, gây ra một trong những sự kiện thanh lý tiền điện tử lớn vào cuối tuần qua.
Cụ thể, hơn 470 triệu USD giá trị các vị thế tiền điện tử đã bị thanh lý trong 24 giờ, với các khoản thanh lý dài hạn và ngắn hạn lần lượt là 352,6 triệu USD và 119,9 triệu USD, trong đó các altcoin chiếm phần lớn vị thế bị xóa sổ.
Bitcoin và Ethereum (ETH) chiếm tổng cộng 108,9 triệu USD giá trị thanh lý, tiếp đó là Dogecoin (DOGE), XRP và Stellar (XLM) với lần lượt là 33,1 triệu USD, 27,6 triệu USD và 21,6 triệu USD được thanh lý.
Tính đến chiều ngày 25/11, Bitcoin vẫn giao dịch quanh mốc 98.400 USD/BTC trong khi Ethereum giao dịch xấp xỉ 3.500 USD/ETH.
Trong bối cảnh đó, “ông trùm” stablecoin Tether đã phát hành thêm 3 tỷ USDT. Dữ liệu cho thấy, công ty này đã phát hành 2 tỷ USD trên mạng Ethereum và thêm 1 tỷ USD nữa trên mạng Tron trong các giao dịch liên tiếp. Do đó, các nhà đầu tư và nhà giao dịch đã sử dụng khối lượng stablecoin và số lượng stablecoin mới phát hành làm thước đo cho tâm lý thị trường, cũng như khối lượng giao dịch.
Ngược lại, mã thông báo không thể thay thế (NFT) vẫn duy trì khối lượng bán hàng hàng tuần tương đối mạnh, mặc dù có giảm nhẹ so với mức tăng của tuần trước. Công cụ theo dõi dữ liệu NFT CryptoSlam nhận xét, đồ sưu tầm kỹ thuật số đã ghi nhận khối lượng bán hàng khoảng 158 triệu USD trong bảy ngày qua, giảm 12,7% so với tuần trước ở mức 181 triệu USD.
Mặc dù có sự chậm lại, nhưng khối lượng hàng tuần vẫn cao hơn nhiều so với kỷ lục vào đầu tháng 11. Từ ngày 4 đến ngày 10/11, NFT có khối lượng bán hàng hàng tuần chỉ đạt 93 triệu USD, phản ánh mức tăng 69% so với đầu tháng.
Trên thị trường này, Ethereum vẫn giữ vị trí dẫn đầu về khối lượng bán NFT hàng tuần. Mạng lưới ghi nhận doanh số 49 triệu USD, giảm 25,9% so với tuần trước. Bitcoin đứng thứ hai, với doanh số 43 triệu USD, giảm 29%.
Bitcoin dễ “tổn thương”
Công ty quản lý danh mục đầu tư và giao dịch tiền điện tử FalconX cho biết, qua theo dõi sổ lệnh của BTC, dòng tiền tăng giá đã không được bổ sung khiến người bán chiếm ưu thế hơn trên thị trường. Như vậy, độ sâu chung của thị trường đã suy yếu trong bối cảnh giá cả tăng.
Khi tiến gần đến mốc 100.000 USD/BTC - một dấu hiệu rõ ràng về sức mạnh thì thực tế đồng tiền điện tử có giá trị lớn nhất về vốn hoá lại khá dễ bị tổn thương trước những tin tức tiêu cực tiềm ẩn.
Theo tỷ lệ lệch sổ lệnh (tỷ lệ đo lường số người muốn bán, hoặc bên chào bán so với những người muốn mua), thì số lượng người mua đã rút lui một cách đáng ngạc nhiên khi giá BTC đạt gần sáu chữ số. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường không được bổ sung bởi sự quan tâm mua mới, khiến người bán giành vị thế thống trị hơn. Đồng thời hàm ý rằng, một tin tức tiêu cực nhỏ cũng có thể dẫn đến đợt điều chỉnh giá đáng kể đối với BTC mà thị trường cần lưu ý.
"Khi chúng ta tiến gần đến mức 100.000 USD/BTC, độ lệch đang tiến gần đến mức chỉ thấy ba lần kể từ năm 2022. Tín hiệu này không đe dọa đến đợt tăng giá trung hạn của thị trường, nhưng nó cho thấy cuộc đấu tranh để vượt qua mức 100.000 USD có thể rất căng thẳng", FalconX cho phân tích.
Thêm vào đó, xu hướng tăng của Bitcoin đã chững lại vào cuối tuần qua, sau khi đạt đỉnh ở mức 99.500 USD/BTC vào thứ sáu. Tỷ lệ thống trị của BTC trong tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử cũng giảm mạnh từ 61,5% xuống còn 59%, cho thấy sự luân chuyển tiền từ Bitcoin sang các loại tiền điện tử khác, hỗ trợ cho trường hợp điều chỉnh giá.
FalconX nhấn mạnh, khả năng điều chỉnh giảm hoặc đột phá trên mức 100.000 USD có thể sẽ giằng co mạnh, vì tính thanh khoản chung của thị trường đã giảm ngay cả khi khối lượng giao dịch tăng. Sự sụt giảm thanh khoản gần đây dễ tạo ra những biến động giá nhanh chóng.