Sắp kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

Việt Nga 17/11/2018 05:45

Mỹ và Trung Quốc đang rốt ráo chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thương mại bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tháng này nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phủ nhận thông tin cho rằng Mỹ

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vừa lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng Mỹ hoãn gói thuế quan tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Tín hiệu "làm lành" của Trung Quốc

Nhìn lại chặng đường căng thẳng thương mại vừa qua, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc nhiều lần sẵn sàng tìm kiếm thỏa thuận về biểu thuế và thương mại, cũng như sẵn sàng đi đến những nhượng bộ đơn phương đáng kể, với số tiền lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến tranh thương mại hậu bầu cử giữa kỳ

    Chiến tranh thương mại hậu bầu cử giữa kỳ

    11:01, 15/11/2018

  • Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: số 7 có mang lại may mắn cho Trung Quốc?

    Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: số 7 có mang lại may mắn cho Trung Quốc?

    11:23, 11/11/2018

  • Chiến tranh thương mại có thể làm giảm mức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc và châu Á

    Chiến tranh thương mại có thể làm giảm mức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc và châu Á

    22:55, 10/11/2018

  • Ngành nào chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

    Ngành nào chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

    04:01, 09/11/2018

Vào thời điểm nào đó, thậm chí có những nhận định lạc quan cho rằng thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc sắp diễn ra. Còn nhớ vào tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã ký thỏa thuận ở Washington. Văn kiện này khi đó được xem như bước đột phá lớn nhất, có thể ngăn chặn chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Trong khuôn khổ thỏa thuận khung này, các bên cam kết sẽ nghiên cứu các vấn đề liên quan tới tái cân bằng thương mại của mình. Trong đó, Trung Quốc sẵn lòng gia tăng đáng kể mức mua khí thiên nhiên hóa lỏng, sản phẩm nông nghiệp, kim loại và máy bay dân dụng từ Hoa Kỳ. 

Đáp lại, phía Mỹ liên tục thay đổi những yêu cầu của mình và thực hiện những biện pháp leo thang chiến tranh thương mại khiến cho đối thoại song phương trở nên bất khả thi. Để khôi phục đàm phán, Bắc Kinh buộc phải chịu sự xuống nước trong khi tiếp tục nhận những đòn giáng thương mại mới.

Theo Reuters, nguồn tin từ một số quan chức Nhà Trắng cho biết, ngày 14/11 vừa qua , Trung Quốc đã có những phản hồi nhượng bộ về đòi hỏi của Washington. Theo đó, Trung Quốc được cho là đã "xuống nước" khi nhắc lại những cam kết trước đây của Bắc Kinh cũng như lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài diễn văn mới đây liên quan đến các mức thuế quan mà Mỹ hiện đang áp lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên không rõ những động thái này có khiến Tổng thống Trump hài lòng.

Những "tín hiệu làm lành" này được Trung Quốc đưa ra trước cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tháng này. 

Khó giải quyết bất đồng

Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, dường như Trung Quốc lại không hề nhượng bộ, thậm chí sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" Mỹ.

Trong khi Tổng thống Trump để mở khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận thương mại nhằm sớm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa 2 nước khi ông gặp ông Tập bên lề Hội nghị G20 ở Argentina tới đây, thì hai bên vẫn còn nhiều khác biệt. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã mong đợi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa bằng chứng cho thấy Trung Quốc nghiêm túc về việc thúc đẩy mở cửa kinh tế và muốn có một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, bài phát biểu hồi đầu tháng này của ông Tập tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế tại Thượng Hải đã đập tan những hy vọng đó. Chuyên gia Sue Trinh từ Công ty tài chính RBC Capital Markets ở Hong Kong nhận định: "Ông Tập lặp lại rất nhiều những kế hoạch chính sách mà chúng tôi đã nghe trong vài tháng qua. Thị trường dường như thích những tiêu đề như 'cắt giảm thuế nhập khẩu', nhưng thực tế kế hoạch này đã được công bố vào tháng 9". Đồng ý với quan điểm đó, chuyên gia Orville Schell từ Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hội đồng Châu Á ở New York nhận xét rằng không có đề xuất mới nào để hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ- Trung, cũng như không có sự thừa nhận về mức độ nghiêm trọng của căng thẳng thương mại trong bài phát biểu đó của ông Tập.

Theo chuyên gia Schell, Bắc Kinh đã không nắm lấy cơ hội để làm hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Và nếu Trung Quốc không có những nỗ lực hiệu quả để cân bằng lại quan hệ song phương thì Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ cứng rắn với nước này.

Vị chuyên gia này cũng nhận định rằng khó có thể kỳ vọng kết quả đáng kể nào từ cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và ông Trump tại Argentina. "Chúng tôi không thấy hai bên có sự chuẩn bị cho bất kỳ thỏa thuận nào", ông Schell nói. 

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách dịch chuyển sản xuất hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Và theo chuyên gia Schell, bên chịu thiệt hại nhiều hơn trong cuộc chiến tranh thương mại sẽ là Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cải thiện bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường tài chính hơn để giảm căng thẳng thương mại với Washington hay không, Cố vấn Fan Gang của Chính phủ Trung Quốc cho biết rằng cải cách là cần thiết nhưng điều này sẽ không đến nhanh: "Cải cách có thể thay đổi quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng việc đó sẽ mất nhiều thời gian. Đây không phải là vấn đề ngắn hạn", ông Gang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sắp kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO