Dự kiến đến cuối tháng 10 chúng ta có thể huy động hơn 30 triệu liều vaccine. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Tại họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, thông tin về việc chung sống an toàn với dịch, vaccine đang đóng vai trò chủ đạo vậy trong tháng 9 và tháng 10 sẽ có bao nhiêu liều vaccine được chuyển về? Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, lượng vaccine về Việt Nam sẽ càng ngày càng nhiều, dự kiến trong tháng 9-10/2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ khoảng hơn 30 triệu liều vaccine.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết thêm, vấn đề tiếp cận vaccine là một trong những vấn đề ưu tiên, trọng tâm hàng đầu của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế, sản xuất.
“Nhưng cũng phải nói rằng, vấn đề tiếp cận vaccine không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu cũng rất khó khăn. Chủng Delta diễn biến phức tạp nên nhu cầu sử dụng vaccine rất nhiều. Thêm vào đó là vấn đề tiếp cận bất bình đẳng giữa nước giàu, nước nghèo trong vấn đề tiếp cận vaccine. Đặc biệt, nguồn cung vaccine trên toàn cầu hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, theo con số mới nhất, trong 6 tháng năm 2021, nếu như thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine để đạt trạng thái (gần như) miễn dịch cộng đồng thì mới chỉ sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều. “Do đó tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Được biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ rất sớm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ngoại giao vaccine. Chính phủ đã lập ra Tổ ngoại giao vaccine của Chính phủ để đảm nhận trọng trách này do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng và các thành viên từ các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Công Thương, KH&CN.
Trong thời gian qua, Tổ công tác về ngoại giao vaccine đã tổ chức triển khai công tác tìm kiếm, huy động vaccine khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương qua các tổ chức quốc tế (như cơ chế COVAX) và đẩy mạnh các hoạt động vận động ngoại giao vaccine thông qua mạng lưới đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất không chỉ vaccine mà còn thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế.
Tổ ngoại giao vaccine dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai theo 3 hướng: Ưu tiên đẩy mạnh cam kết thực hiện theo hợp đồng vaccine mà Chính phủ đã kí kết với các hãng lớn như Astra Zeneca, Pfizer; tranh thủ huy động các mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương hữu nghị để tiếp cận các nguồn vaccine từ các nước đối tác thông qua nhiều hình thức khác nhau như viện trợ qua thương mại và vay. Để bảo đảm nguồn cung ứng vaccine ổn định, lâu dài, Tổ công tác cũng đẩy mạnh thúc đẩy việc kí kết các hợp đồng mua vaccine mới với các hãng lớn cũng như đẩy mạnh hợp tác để sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm việc tiếp cận ổn định.
“Đến nay kết quả đạt được khá tích cực. Nếu như đầu tháng 8 chúng ta huy động được khoảng 16,6 triệu liều vaccine thì đến cuối tháng 8 chúng ta có 33 triệu liều vaccine. Dự kiến đến cuối tháng 10 chúng ta có thể huy động hơn 30 triệu liều vaccine. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều vaccine về Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao cho biết
Về thuốc đặc trị, Thứ trưởng cho biết cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn thuốc đặc trị khác nhau. Bộ Y tế cùng các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã vận động chính phủ các nước để nhập khẩu thành công nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ.
Tổ công tác cũng đẩy mạnh việc tiếp cận các trang thiết bị y tế từ các nguồn khác nhau. Đến nay đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ nhiều thiết bị y tế trị giá đến hàng triệu USD như: 660 máy thở, 600 máy tạo ô xy, 1.000 tấn ô xy... đã được chuyển về Việt Nam để hỗ trợ công tác chống dịch.
Công tác ngoại giao vaccine trong thời gian vừa qua đã đạt nhiều kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy trong tình hình dịch bệnh và biến chủng Delta diễn biến phức tạp, nhu cầu về vaccine, nhu cầu về trang thiết bị y tế còn rất lớn.
“Nhưng sắp tới nhu cầu còn rất lớn, chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các nước đối tác của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng bà con ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để có nhiều vaccine và thuốc đặc trị hơn sẽ đến với Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
19:57, 06/09/2021
18:40, 06/09/2021
18:16, 06/09/2021
10:01, 06/09/2021